Financial Times: Tăng lãi suất và thế khó của FED

Financial Times: Tăng lãi suất và thế khó của FED

(NDH) Dự trữ ngoại hối toàn cầu đã suy giảm từ 11,9 nghìn tỷ USD trong quý II/2014 xuống 11,4 nghìn tỷ USD quý I/2015, chủ yếu là do chính phủ các nước buộc phải hỗ trợ thị trường trước khả năng Mỹ tăng lãi suất.

Trong số các nước sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thị trường, Trung Quốc là nước đứng đầu. Riêng trong tháng 8/2015, nước này đã chi 94 tỷ USD, tương đương 2,6%, để hỗ trợ Nhân dân tệ. Động thái bảo vệ đồng tiền này của chính quyền Bắc Kinh đang khiến nhà đầu tư lo ngại về tác động của lãi suất tại Mỹ.

Các chuyên gia phân tích nhận định Trung Quốc có thể phải bán hơn 100 tỷ USD để hỗ trợ tỷ giá Nhân dân tệ. Hiện chính quyền Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với 1,27 nghìn tỷ USD trái phiếu, và động thái bán ra của nước này có thể kích thích làn sóng bán tháo trên thị trường trái phiếu, qua đó tạo áp lực nâng lãi suất tại Mỹ.

Ở một khía cạnh khác, ngân hàng UBS phản đối quan điểm rằng các thị trường mới nổi có đủ dự trữ ngoại hối để thanh toán các khoản nợ. Họ cho rằng thành phần nắm giữ tài sản cũng như dự trữ ngoại hối là chính phủ, trong khi các doanh nghiệp mới là người vay nợ chính. Vì vậy, các khoản nợ tại những nền kinh tế mới nổi vẫn chịu nhiều áp lực khi lãi suất tăng dù dự trữ ngoại hối dồi dào.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất có thể làm tổn thương thị trường toàn cầu. Chuyên gia John Paul Smith của hãng tư vấn đầu tư Ecstrat cho rằng FED nên lắng nghe thị trường và động thái nâng lãi suất có thể có tác động xấu tới nền kinh tế toàn cầu. Theo ông Smith, quyết định thắt chặt tiền tệ của FED đại diện cho việc không quan tâm đến tình hình trên toàn thế giới.

Riêng tại thị trường Mỹ, những số liệu trái chiều khiến FED gặp khó khăn trong việc ra quyết định có nâng lãi suất hay không.

Ở chiều hướng ủng hộ nâng lãi suất, doanh số bán xe hơi đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong 1 thập kỷ qua, còn thị trường bất động sản đã vượt qua được khủng hoảng bong bóng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng giảm xuống mức thấp.

Những yếu tố hỗ trợ FED nâng lãi suất

Về phía ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu và tập đoàn đa quốc gia Mỹ đang chịu thiệt hại do giá đồng USD lên cao. Việc FED nâng lãi suất có thể khiến đồng tiền này lên cao hơn nữa. Bên cạnh đó, dù số lượng việc làm mới đã tăng nhưng mức lương tại Mỹ lại không tăng nhiều, qua đó tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng.

Hơn nữa, Phố Wall có khả năng sẽ bị ảnh hưởng do việc nâng lãi suất hút bớt dòng vốn đổ vào chứng khoán. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp đang là nguyên nhân chính cản trở quyết định của FED.

Những yếu tố cản trở FED nâng lãi suất

Hiện vẫn đang có nhiều dự đoán về kết quả cuộc họp của FED trong tuần tới, nhưng rõ ràng dù có nâng lãi suất hay không thì thị trường các nước mới nổi cũng như toàn cầu đã bị tác động về khả năng Mỹ thắt chặt tiền tệ trong năm nay.

Số liệu kinh tế Mỹ hầu hết khá lạc quan