Phát biểu ngày 13/11 tại hội thảo 2 ngày do Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Dự trữ liên bang New York tổ chức tại thủ đô Washington, Chủ tịch Fed Janet Yellen khẳng định cơ quan này cần một cái nhìn sâu hơn về những khía cạnh của xu thế toàn cầu hóa tại các thị trường tài chính nước ngoài, đơn cử như dòng chảy vốn toàn cầu.
Theo bà Yellen, để hoàn thành các mục tiêu trong nước về đảm bảo việc làm và ổn định giá cả, cần phải có một sự hiểu biết sâu rộng về những diễn biến của các thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới cũng như những tác động của nó đến nền kinh tế Mỹ và ngược lại, những ảnh hưởng của chính sách Mỹ tới tình hình tài chính và kinh tế bên ngoài.
Trước đó, trong phiên họp định kỳ hồi cuối tháng Mười vừa qua, Fed đã quyết định chấm dứt toàn bộ chương trình cứu trợ (QE) đã triển khai suốt từ tháng 11/2008 nhằm giúp nền kinh tế số một thế giới vượt qua cuộc Đại suy thoái 2007-2009. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì "thêm một thời gian nhất định" tỷ lệ lãi suất các khoản vay qua đêm liên ngân hàng thương mại ở mức 0-0,25%.
Quyết định trên của Fed đưa ra trong bối cảnh đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bước vào giai đoạn bền vững hơn.
Báo cáo đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30/10 cho biết tốc độ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 3 vừa qua đạt 3,5%, cao hơn mức dự báo 3,0% của Nhà Trắng và các chuyên gia và cũng là tốc độ cao nhất kể từ năm 2003.
Với tốc độ tăng trưởng cao trong hai quý liên tục, các chuyên gia xác định đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã bước vào giai đoạn bền vững.
Tuy nhiên, màu xám vẫn làm gam màu chủ đạo trong bức tranh kinh tế toàn cảnh của thế giới hiện nay. Đầu tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã một lần nữa hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm sau, đồng thời cảnh báo tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới sẽ yếu và không đồng đều.
IMF dự báo tốc độ tăng GDP của kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,3% trong năm nay, giảm 0,1% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng Bảy. IMF cũng hạ tốc độ tăng GDP của kinh tế thế giới trong năm tới từ 4% xuống còn 3,8%.