Trong phiên họp thường kỳ, ngày 6/11, các thành viên Ngân hàng Trung ương châu Âu ( ECB) nhất trí tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cơ bản đang ở mức thấp kỷ lục 0,05%, khi coi đây là công cụ chủ chốt nhằm kích thích sự tăng trưởng.
Tại cuộc họp báo ở Frankfurt (Đức), Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa sự phục hồi nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung euro, nên ECB vẫn giữ nguyên mức lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế: "Dựa trên các phân tích thường xuyên về kinh tế và tiền tệ, phù hợp với kế hoạch đề ra, chúng tôi quyết định giữ nguyên mức lãi suất thấp hiện nay.Theo quyết định ngày 2/10 chúng tôi sẽ tiếp tục mua trái phiếu được bảo đảm theo một chương trình mới của ECB và chúng tôi cũng sẽ sớm mua các trái phiếu thế chấp bằng tài sản (ABS). Các chương trình này sẽ kéo dài trong ít nhất là 2 năm".
Sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ( FED) kết thúc chương trình mua trái phiếu của mình và Ngân hàng trung ương Nhật Bản ( BOJ) thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, Ngân hàng trung ương châu Âu cũng đang xem xét, đánh giá để đưa ra các biện pháp tương ứng như nới lỏng định lượng in tiền để có thể mua được nhiều hơn trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ số tiền chinh xác mà ECB có thể bơm vào nền kinh tế là bao nhiêu. Ngoài ra để khu vực đồng tiền chung euro không rơi vào tình trạng giảm phát, ECB đã ưu tiên bơm tiền vào hệ thống các Ngân hàng thông qua việc mua các khoản nợ cũng như cung cấp các khoản vay dài hạn với tổng giá trị lên tới 1 nghìn tỷ euro.
Hồi tháng 9, ECB dự báo tăng trưởng của khối đạt 0,9% trong năm nay và 1,6% trong năm tới với tỷ lệ lạm phát đạt mức 1,4% vào năm 2016- vẫn thấp hơn mức mục tiêu 2%. Lạm phát trong tháng 10 của khu vực này chỉ đứng ở mức 0,4%./.