Có đại diện ngân hàng khẳng định, chỉ dốc tiền cho vay tín chấp với trường hợp có bảo lãnh của Chính phủ.
Các ngân hàng cho biết, không “dại” dốc tiền cho doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo vay. Ảnh: Ngọc Châu
Khó đôi đường
Ngân hàng Nhà nước mới đây có văn bản yêu cầu các NH thương mại đẩy mạnh cho vay, trong đó có hướng xem xét đơn giản hóa thủ tục cho vay và tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản (cho vay tín chấp).
Với nhiều doanh nghiệp đang bị đình trệ sản xuất kinh doanh do không còn tài sản đảm bảo để thế chấp, đây là thông tin tốt lành. Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp ngành cơ khí ở Hải Dương khẳng định, vay được tiền mà không cần tài sản đảm bảo là chuyện khó hơn... lên trời.
Ông cho biết, mấy tháng gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu tiến triển sau nhiều tháng gặp khó khăn. Dù đã có quan hệ tín dụng hơn chục năm nay với một số ngân hàng quen nhưng khi đặt vấn đề vay vốn tiếp tục mở rộng sản xuất, các ngân hàng đều lắc đầu. Đơn giản vì doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo để thế chấp ngân hàng.
“Chúng tôi chứng minh được kết quả hoạt động khá tốt nhưng vẫn không thuyết phục được ngân hàng tiếp tục bơm vốn do nhà xưởng đã được “cắm” để vay ngân hàng trước đó. Dù đã viện dẫn cả yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về việc ngân hàng phải tăng cho vay không có tài sản đảm bảo nhưng không có tài sản cầm cố, không thể thuyết phục được ngân hàng. Rốt cuộc chúng tôi chọn cách huy động vốn từ chính người nhà để mở rộng sản xuất”, ông chia sẻ.
Theo đại diện các ngân hàng, trong thực tế, cho vay tín chấp của các ngân hàng hiện là một trong những sản phẩm chủ lực đối với mảng khách hàng cá nhân. Hầu hết các ngân hàng đều có sản phẩm này. Tuy nhiên, với doanh nghiệp, các ngân hàng lại không mặn mà do không ai muốn đưa tiền cho người khác vay chỉ dựa vào… niềm tin.
“Cho vay tín chấp với khách hàng cá nhân cũng có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính vẫn đẩy mạnh việc cho vay này do tin rằng, với một khoản vay nhỏ, lẻ, khả năng xù nợ của người tiêu dùng ít hơn. Còn cho doanh nghiệp vay mà không tài sản đảm bảo, không ngân hàng nào muốn đối mặt rủi ro”
Đại diện một ngân hàng cổ phần nói
Đại diện một ngân hàng cổ phần khẳng định, để tăng tín dụng một cách an toàn, ngân hàng thường chọn cho vay theo các chương trình của Nhà nước. Đây cũng là lý do vì sao thời gian gần đây nhiều ngân hàng đua nhau đổ tiền cho các tập đoàn, tổng công ty vay vốn để triển khai các dự án lớn. Các ngân hàng hiện không có nhiều lựa chọn dù biết, tiền cho vay các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của nhiều tập đoàn, tổng công ty không giúp đẩy vốn vào đúng chỗ cần của nền kinh tế.
“Giờ chỉ vì tăng trưởng tín dụng mà cứ đẩy ra cho vay, chắc chắn sẽ đối mặt với rủi ro. Các ngân hàng chỉ dám cho vay tín chấp đối với các dự án của những tập đoàn, tổng công ty có sự bảo lãnh của Nhà nước. Việc cho vay này sẽ bớt rủi ro hơn vì dù sao ngân hàng vẫn có thể “túm” vào cam kết bảo lãnh của Chính phủ để đòi tiền nếu doanh nghiệp phá sản hoặc dự án thua lỗ. Với ngân hàng cổ phần, nếu để xảy ra nợ xấu lớn do cho vay tín chấp, lãnh đạo ngân hàng sẽ phải đối mặt sức ép của cổ đông”, vị này nói.
Cần hỗ trợ từ địa phương
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Thanh Toại cho biết, bình thường, khi cho vay có tài sản đảm bảo, ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro. Càng cho vay không có tài sản đảm bảo nhiều, mức rủi ro càng lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Dù có yêu cầu ngân hàng vẫn không thể đẩy mạnh cho vay theo hình thức này.
“Nếu thấy rủi ro, dù có kêu gọi cách nào đi nữa, đời nào ngân hàng cho vay. Việc cho vay, ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm nên sẽ phải tính toán. Khó có chuyện hễ hô khẩu hiệu là người ta cho vay theo. Cho vay không có tài sản đảm bảo, toàn bộ rủi ro, trách nhiệm đều gắn với ngân hàng thương mại chứ không phải ngân hàng nhà nước”, ông Toại nói.
Trả lời câu hỏi của PV về việc đẩy mạnh cho vay tín chấp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, cơ chế cho vay hiện hành của các ngân hàng đã có những quy định về cho vay tín chấp. Bản thân các tổ chức tín dụng đều có những sản phẩm riêng. Khi cho vay, các tổ chức tín dụng phải đánh giá được phương án kinh doanh, năng lực tài chính cũng như khả năng trả nợ của người vay.
Theo bà Hồng, trên thực tế, với góc độ quan sát của cơ quan quản lý, ở các nước có cho vay tín chấp, lấy thông tin về khách hàng đối với các ngân hàng rất dễ. Có các thông tin này, ngân hàng có thể dễ dàng đánh giá uy tín, tín nhiệm của doanh nghiệp để xét cho vay tín chấp.
“Ở Việt Nam, việc lấy thông tin của khách hàng, bản thân các ngân hàng cũng rất khó khăn. Trong chỉ đạo điều hành, Thống đốc NHNN đã rất quan tâm đến việc kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, địa phương. Chính ở các địa phương, lãnh đạo tỉnh nắm rất rõ các doanh nghiệp. Khi có sự tham gia cùng của lãnh đạo tỉnh, nhiều tổ chức tín dụng sẽ tin tưởng hơn trong việc tháo gỡ khó khăn về quan hệ tín dụng cho doanh nghiệp. Muốn cho vay tín chấp được, bản thân các tổ chức tín dụng phải đồng hành, theo sát doanh nghiệp”, bà Hồng nói.