Dự án cầu Nhật Tân, theo đề xuất của Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada, sẽ được lùi thời gian khánh thành sang tháng 1/2015. Cùng thời điểm này, Dự án Đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài và Dự án Nhà ga hành khách T2 - Nội Bài cũng dự kiến khánh thành.
Dự án Đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài đang được đẩy nhanh tiến độ. |
Tuy thời gian khánh thành đã lùi so với dự kiến (tháng 10/2014), nhưng trên công trường các dự án quan trọng này, tiến độ triển khai vẫn đang rất rốt ráo. Trung tuần tháng 8/2014, sau khi đi kiểm tra tiến độ của cả 3 dự án, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo UBND TP. Hà Nội, các bộ, ngành nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Việc tạm thời chưa thu thuế nhập khẩu và thuế VAT đối với các nhà thầu nước ngoài cũng đã được Phó thủ tướng chỉ đạo thực hiện.
"Việc hoàn thành đồng bộ và đúng tiến độ 3 dự án này có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm giảm áp lực quá tải ở Sân bay quốc tế Nội Bài, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Trước đó, vào trung tuần tháng 4/2014, lễ hợp long cầu chính dây văng cầu Nhật Tân - một trong những nghi thức quan trọng nhất đối với thi công cầu - đã chính thức diễn ra, tạo tiền đề quan trọng để Dự án có tổng mức đầu tư 13.626 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, bao gồm việc xây dựng 3,75 km cầu và 5,18 km đường dẫn, hoàn thành vào tháng 10/2014.
Khởi công từ năm 2009, Dự án cầu Nhật Tân đã từng bị "kêu" vì chậm tiến độ, song với nhiều nỗ lực, Dự án đang được đẩy nhanh. Dự án hoàn thành sẽ kết nối trung tâm TP. Hà Nội với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến Sân bay quốc tế Nội Bài.
Tương tự, trên công trường xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Nội Bài, mọi việc cũng đang rất gấp gáp, khẩn trương. Tiến độ các dự án được đẩy nhanh, giải ngân vốn ODA cũng tăng tốc, thậm chí có sự đột phá rất lớn.
Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục 3,1 tỷ USD, tăng 41,2% so với mức 2,2 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ riêng giá trị giải ngân của nhóm 6 ngân hàng phát triển, bao gồm JICA, ADB, WB, KfW, KEXIM và AFD đã đạt khoảng 2,995 triệu USD.
"Mức giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm có sự tăng đột biến nhờ có khoản vay giải ngân nhanh hỗ trợ chương trình EMCC và SP-RCC với tổng trị giá 250 triệu USD. Ngoài ra, một số dự án đầu tư quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông và năng lượng cũng đã đóng góp vào mức giải ngân cao này", ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói và cho biết, chỉ riêng Dự án T2 - Nội Bài trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân được 105 triệu USD.
Ngoài ra, theo ông Mạnh, dấu ấn giải ngân vốn ODA còn được ghi tại hàng loạt dự án quy mô lớn, như Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn và lưới điện truyền tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (giải ngân 125 triệu USD, Dự án Nhiệt điện Mông Dương (giải ngân 94 triệu USD) hay Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn (37,4 triệu USD), Dự án Hiệu quả phân phối điện (72 triệu USD)... Bên cạnh đó, còn có thể kể đến các dự án, như Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (27 triệu USD), Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Dầu Giây (15 triệu USD)...
Một cách thẳng thắn, ông Mạnh cho biết, những tiến bộ đạt được trong giải ngân ODA là nhờ sự điều hành sát sao của Chính phủ; sự quyết tâm cao trong việc thúc đẩy giải ngân của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, các bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ trong việc xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là việc Chính phủ bổ sung kịp thời vốn đối ứng từ nguồn trái phiếu chính phủ cho các chương trình, dự án.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, dù đã có nhiều tiến bộ, song tỷ lệ giải ngân vốn ODA trên tổng vốn cam kết vẫn còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Trong cuộc họp gần đây nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tỏ ra sốt ruột trước việc một số chương trình, dự án bị chậm nhiều năm ít có sự cải thiện đáng kể, buộc nhà tài trợ phải cơ cấu lại theo hướng giảm vốn cam kết.
Chính vì thế, để khắc phục các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án, nhằm hạn chế tối đa các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án để tránh lãng phí và gây kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Các biện pháp liên quan đến giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, rà soát tính minh bạch trong quản lý, thực hiện các dự án... cũng đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.