Đồng tiền các nước mới nổi xuống mức kỷ lục 15 năm qua

Đồng tiền các nước mới nổi xuống mức kỷ lục 15 năm qua

(NDH) Cách đây 18 năm, khủng hoảng tiền tệ tại Thái Lan đã khơi mào cho sự bất ổn kinh tế Châu Á. Giờ đây, thị trường tiền tệ lại rung hồi chuông cảnh báo một lần nữa với các nhà đầu tư.

Đồng tiền của các thị trường mới nổi đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua do những bất ổn của chứng khoán Trung Quốc và giá các loại hàng hóa (dầu, vàng, ngũ cốc…) giảm mạnh.

Đồng Bath của Thái Lan đã xuống mức thấp nhất trong 6 năm là 34,9 Bath/USD, trong khi đồng tiền của Malaysia và Indonesia ở mức thấp chưa từng thấy trong gần 2 thập kỷ qua.

Thay đổi tỷ giá (%) của các đồng tiền so với USD

Các loại hàng hóa như dầu thô, quặng đồng và quặng sắt giảm giá mạnh đã khiến các nước mới nổi phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên vật liệu thô như Brazil, Nga và Colombia bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, giá dầu Brent phiên 27/7 cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015.

Tình hình bất ổn tại các nước mới nổi thậm chí ngày càng trầm trọng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ nâng lãi suất trong năm nay, một động thái mà theo nhiều chuyên gia sẽ có tác động tiêu cực đến các thị trường đang phát triển.

Đồng USD tăng giá sẽ thúc đẩy dòng vốn rút khỏi những thị trường mới nổi để quay lại các nước phát triển. Vì vậy, những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ là nước chịu thiệt nhiều nhất.

Những quỹ đầu tư hưởng lợi từ việc đổ tiền vào các thị trường mới nổi đã bắt đầu xem xét lại danh mục đầu tư của mình do rủi ro toàn cầu đang ngày càng tăng cao.

Thị trường tiền tệ có vai trò rất lớn đối với tâm lý nhà đầu tư, vì vậy giá đồng tiền giảm có khả năng khiến việc bán tháo cổ phiếu và trái phiếu diễn ra mạnh hơn. Chỉ số chứng khoán MSCI của các thị trường mới nổi đã giảm 10,9% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, chi phí vay đối với chính phủ và các công ty tại những nền kinh tế mới nổi như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tăng lên.

Ngoài ra, chuyên gia Alberto Gallo tại RBS nhận định những rủi ro trên thị trường tài chính Trung Quốc sẽ kích hoạt một loạt các phản ứng trên thị trường vốn toàn cầu.

Thất bại của chính quyền Bắc Kinh trong việc ổn định thị trường chứng khoán những ngày gần đây đã khiến nhà đầu tư quốc tế cảnh giác hơn.

Chỉ số chứng khoán Thượng Hải-Trung Quốc

Hơn nữa, thất bại của chính phủ Trung Quốc còn làm xói mòn niềm tin vào chính phủ cũng như kinh tế Trung Quốc, khiến giá các loại hàng hóa giảm (Trung Quốc là thị trường lớn của các hàng hóa chính) và ảnh hưởng đến những quốc gia đang phát triển khác.

Đồng Real của Brazil và Peso của Colombia đã giảm lần lượt 22% và 17% từ đầu năm đến nay, qua đó khiến chỉ số JPMorgan Emerging Market Index (đo lường tỷ giá của những đồng tiền nước mới nổi chủ chốt so với USD) giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.

JP Morgan cho rằng suy thoái kinh tế tại Brazil và khó khăn tại Nga đã làm giảm giá đồng tiền của 2 nước.

Tình trạng giảm giá đồng tiền không chỉ xảy ra tại những nước mới nổi phụ thuộc xuất khẩu hàng hóa mà còn lây lan sang nhiều nước khác. Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm hơn 15% từ đầu năm đến nay do tình trạng bất ổn chính trị. Những dòng người tị nạn từ Syria cũng như cuộc xung đột vũ trang với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) và lực lượng vũ trang người Kurd (PKK) là các nguyên nhân chính.

Mặc dù đồng tiền giảm giá có thể tạo lợi thế cho xuất khẩu nhưng nó cũng làm gia tăng chi phí nhập khẩu cũng như chi phí trả nợ nước ngoài, làm gia tăng nguy cơ bất ổn tài chính.

Theo nghiên cứu của McKinsey, tín dụng của các nước mới nổi chiếm gần 50% tăng trưởng vay nợ toàn cầu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đạt 49 nghìn tỷ USD tính đến cuối năm 2013.

Hơn nữa, kỳ vọng vào sự tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ chống chọi được trước các nguy cơ của Trung Quốc đã bị xói mòn khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,5% xuống 3,3% cho năm 2015.

Chủ tịch IMF Christine Lagarde đã cảnh báo về sự lặp lại của bối cảnh 2013, khi FED tuyên bố ngừng chương trình nới lỏng định lượng (QE) khiến nhà đầu tư bắt đầu rút bớt vốn khỏi các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng tình trạng năm 2013 sẽ không lặp lại bởi các nước Châu Á có dự trữ ngoại hối lớn để ổn định đồng tiền, do đó thị trường sẽ không biến động mạnh khi FED nâng lãi suất.

Không đồng ý với quan điểm trên, nhiều chuyên gia khác nghi ngờ khả năng hỗ trợ của dự trữ ngoại hối khi tình hình tín dụng tại các thị trường mới nổi ở mức đáng báo động.

Những khoản cho vay mua ô tô hoặc tín dụng không đảm bảo đã khiến tỷ lệ vay nợ cá nhân tại Thái Lan tăng gấp đôi từ năm 2009 đến năm 2014 lên mức kỷ lục 2,8 nghìn tỷ Bath (80,2 tỷ USD).

Các ngân hàng tại Indonesia đang phải kiềm chế cho vay đối với tầng lớp trung lưu và giới trẻ do lo ngại ảnh hưởng từ giá hàng hóa giảm tác động đến nền kinh tế.

Theo hãng Development Finance Asia, khủng hoảng cuối thập niên 90 tại Châu Á chủ yếu là do các công ty nợ nước ngoài quá nhiều và không đủ khả năng thanh toán. Trong khi đó, tình hình hiện nay là các hộ gia đình vay quá nhiều và hiện chưa rõ có đủ sức trả nợ hay không.

Tại Indonesia và Thái Lan, chính phủ đáng lẽ phải giảm tỷ lệ cho vay hộ gia đình thì lại hạ lãi suất để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó tác động đến thị trường tiền tệ.

Hãng Standard Chartered nhận định đây không phải là điều tốt đối với các thị trường mới nổi nhưng biến động mạnh sẽ không xảy ra bởi chính phủ các nước đã cảnh giác hơn sau các cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, tình hình dài hạn thì không thể đoán trước được.