Trong phiên 27/5, đồng Rúp đã giảm 1,7% xuống 51,8530 Rúp/USD. Ngân hàng RBS nhận định đồng Rúp đang đảo chiều đi xuống và có thể sẽ giảm thêm 4% xuống 54 Rúp/USD vào cuối quý II/2015. Các doanh nghiệp Nga sẽ phải trả 8,7 tỷ USD nợ nước ngoài trong tháng tới, gấp 2,4 lần so với số tiền họ phải trả trong tháng 5/2015.
Theo ngân hàng RBS, đồng nội tệ Nga có thể đã chạm đỉnh so với đồng USD trong năm nay. “Đồng Rúp có vẻ đã tăng giá quá mức.”
Bên cạnh đó, áp lực bán đồng Rúp sẽ gia tăng khi các công ty Nga trả cổ tức từ tháng 5 đến tháng 7/2015 và những cổ đông nước ngoài sẽ chuyển đổi sang ngoại tệ. Giá dầu thế giới, loại hàng hóa xuất khẩu chính của Nga, đã giảm 2,6% xuống 62,06 USD/thùng, mức thấp nhất trong 1 tháng qua, do lo ngại xuất khẩu dầu của Iraq sẽ làm tăng nguồn cung từ Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Giá dầu Brent đã tăng 40% kể từ mức thấp gần đây, cùng với thỏa thuận ngừng bắn tại Ucraina, đã giúp đồng Rúp hồi phục 17% tính từ tháng 1/2015.
Sự tăng giá của đồng Rúp đã làm tỷ lệ lạm phát chậm lại tại Nga và cho phép ngân hàng trung ương Nga hạ lãi suất. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc suy giảm nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ. Các quan chức chính phủ Nga đã nhiều lần nhận định sự tăng giá trên của đồng Rúp là quá mức. Cả ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Nga đều tuyên bố họ sẽ bán ra đồng Rúp trong tháng 5/2015.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng Dmitry Polevoy của ING cho rằng sự giảm giá của đồng Rúp trong phiên vừa qua không ảnh hưởng đến dự đoán của các nhà đầu tư về việc Nga sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Một thông tin nữa có thể ảnh hưởng đến đồng nội tệ Nga là sự kiện World Cup được tổ chức tại đây vào năm 2018. Theo nhiều chuyên gia, nếu Điện Kremlin hủy bỏ sự kiện này, nhiều trường học, bệnh viện và nông nghiệp sẽ nhận được thêm tài chính và có thể khiến đồng Rúp tăng giá.