Đồng ruble mất giá và những hệ lụy đối với nền kinh tế Nga

Đồng ruble mất giá và những hệ lụy đối với nền kinh tế Nga

Những ngày này, đồng ruble (Nga) lại rơi vào xu hướng rớt giá so với đồng USD. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các doanh nghiệp địa phương hãy tận dụng lợi thế này để mở rộng sản xuất, thay thế nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu.

Các công ty của Nga đang có một lợi thế đáng kể, khi mà một năm trước đây, 1 USD có giá trị quy đổi khoảng 34-35 ruble, thì nay tương đương 52-53 ruble. Vì vậy mà chi phí cho sản xuất trong nước giảm gần một nửa. Bên cạnh lợi thế này, các nhà sản xuất Nga cũng phải đối mặt với các tiêu cực như: chi phí vay tín dụng tăng mạnh, các nguồn đầu tư nước ngoài bị cắt đứt...

Điện Kremlin hy vọng sẽ lại đạt được những kết quả tích cực của việc phá giá đồng ruble vào năm 1998. Vào thời điểm đó, sự phá giá đồng nội tệ Nga đã thực sự kích thích tăng trưởng sản xuất, dòng ngoại tệ đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào nền kinh tế Nga, giúp tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu do nền kinh tế được bảo đảm bởi lợi nhuận cao với rủi ro tương đối thấp. Đây chính là lý do tại sao sự mất giá của đồng ruble lại tạo nên sức hấp dẫn và có tác động tích cực đến vậy.

Tuy nhiên, hiện nay, đồng ruble đang mất giá song triển vọng kinh tế gần như vô hình. Kinh tế Nga đang rơi vào tình trạng trì trệ, không thể thu hút các nhà đầu tư khi rủi ro tăng cao và thu nhập giảm. Tổ chức "Standard & Poor" (S&P) dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga trong những năm tới sẽ vẫn dao động ở mức trung bình 0,5%/năm.

Trong khi đó, Trung tâm Phát triển khẳng định không nhận thấy tác động tích cực từ sự suy yếu của đồng ruble đối với nền kinh tế Nga. Các chuyên gia của trung tâm này đã phân tích tác động của sự phá giá đồng nội tệ ở nhiều quốc gia trong vòng 20 năm qua, và nhận thấy hiệu quả tích cực từ tình trạng này thể hiện rõ nét ở xu hướng gia tăng đáng kể trong lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, ở Nga thời gian qua không ghi nhận dấu hiệu nào cho thấy điều đó. Thậm chí, kim ngạch xuất khẩu của Nga trong năm 2015 còn thấp hơn so với năm 2014 - thời điểm trước khi đồng ruble suy yếu.

Tóm lại, niềm hy vọng nền kinh tế Nga sẽ được tiếp thêm sinh lực mới chính từ những lợi thế xuất khẩu đang ngày càng trở nên hão huyền. Đợt suy giảm mới lần này của đồng nội tệ Nga sẽ chỉ càng làm các doanh nghiệp nước này thêm nao núng và chán nản.