Đông Nam Á lo lắng trước chính sách kinh tế Mỹ

Dòng tiền đầu tư vào các thị trường mới nổi đang bị đe dọa, trong bối cảnh lãi suất Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lên sẽ hút vốn trở lại Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri -Ảnh: Bloomberg​


"Các nước đang phát triển ở châu Á có thể sẽ phải hy sinh tăng trưởng của năm 2015, tập trung giữ ổn định nền kinh tế của mình trước tác động từ việc Mỹ tăng lãi suất" -là nhận định củaBộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri trong trả lời phỏng vấn của Bloomberghôm 21-9 tại Cairns, Úc.

Ông Basri cho rằng dòng tiền đầu tư vào các thị trường mới nổi đang bị đe dọa, trong bối cảnh lãi suất Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lên sẽ hút vốn trở lại Mỹ.

Ở Indonesia - nơi lãi suất đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 2009, các nhà hoạch định chính sách có thể phải thắt chặt hơn nữa để duy trì tính hấp dẫn tương đối của quốc gia đối với các nhà đầu tư.

"Trong ngắn hạn, một số thị trường mới nổi nhiều khả năng phải chọn cách ổn định tăng trưởng. Bạn không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi phải đồng thời đối phó với vấn đề này.

Nó sẽ càng làm tình hình thêm phức tạp". Ông cho biết Indonesia có thể sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt, từ tài chính đến tiền tệ. Động thái đó hoàn toàn gây bất lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng USD đã tăng giá khi Fedtiến dần đến quyết định lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2006. Đồng rupiah của Indonesia đã mất giá trong 5 tuần liên tiếp, khi các quỹ toàn cầu đồng loạt rút tiền ra khỏi cổ phiếu địa phương vì dự đoán chi phí vay của Mỹ cao hơn.

Trong trường hợp, một số nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới phải thay đổi để thích ứng với thay đổi chính sách Fed, thì sự đóng góp của họ vào kinh tế toàn cầu có thể suy yếu.

"Nếu thanh khoản toàn cầu bị thắt chặt vì chính sách thắt chặt của Fed, sẽ càng khó khăn hơn cho một quốc gia như Indonesia thu hút được tài trợ nước ngoài".

Mối quan tâm của ông Basri còn tập trung vào nhiệm vụ của các bộ trưởng tài chính G20 - hiện đang nhóm họp tại Cairns - khi họ đặt mục tiêu nâng tăng trưởng kinh tế tập thể thêm 2% hoặc nhiều hơn trong 5 năm tới.

Hôm 21-9, Bộ trưởng Tài chính Úc Joe Hockey cho biết các quan chức đã đồng ý chính sách tiếp tục hỗ trợ phục hồi và đặc biệt giải quyết áp lực giảm phát đang hiện rõ trong khu vực này.

Triển vọng tăng lãi suất của Mỹ sẽ là thách thức lớn nhất cho chính phủ mới của Indonesia. Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) - nhậm chức vào tháng 10-2014 - sẽ thừa hưởng một nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2009, với chênh lệch tài khoản vãng lai dai dẳng đang đè nặng lên đồng tiền trong nước.

Ông Basri đã kêu gọi chính phủ mới tập trung thu hẹp thâm hụt ngân sách, tăng giá nhiên liệu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Lãi suất cơ bản của Inonesdia đang ở mức 7,5% và các nhà làm chính sách có thể phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn dòng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế.