Đóng bảo hiểm cho “ôsin": Quy định chỉ trên giấy! 

“Việc làm của người giúp việc thường không ổn định, tháng này họ có thể làm việc cho người này, nhưng tháng sau họ lại làm việc cho người khác..”.

Trao đổi với PV sáng 3/6 bên lề Quốc hội về quy định người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm cho người giúp việc - “ôsin”, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ĐBQH Hà Nội cho rằng quy định này khó thực hiện, không khả thi.

Ông Đinh Xuân Thảo (Ảnh: Xuân Hải)

Thưa ông, theo quy định của Nghị định 27/NĐ – CP của Chính phủ thì từ ngày 25/5/2014 người quản lý lao động giúp việc nhà (thường gọi là “ô sin”) sẽ phải ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho "ôsin", "ôsin" cũng được nghỉ 4 ngày/tháng,...Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Về việc đóng bảo hiểm, chủ nhà đóng bảo hiểm cho người giúp việc gia đình là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận để xem tính khả thi xem thế nào. Ở đây liên quan đến quyền lợi của người lao động giúp việc cho gia đình, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ thì người thuê lao động/người sử dụng lao động/chủ nhà ngoài việc trả lương cho “ôsin” phải có bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội có xu hướng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó quy định 2 phương án: Thứ nhất, đối với những người có hợp đồng lao động từ 3-12 tháng, đóng bảo hiểm là đương nhiên rồi, thống nhất rồi.

Thứ hai là loại hợp đồng lao động từ 1 tháng cho đến dưới 3 tháng mà giao kết hợp đồng bằng văn bản cũng phải đóng bảo hiểm, nhưng qua thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình. Bởi vì, hợp đồng lao động dưới 3 tháng thường là thời gian thử việc, mà đã thử việc thì không có nghĩa là chính thức nên không thể bắt buộc phải đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội bắt buộc được.

Tức là người sử dụng lao động giúp việc sẽ “lách luật” bằng cách trên thưa ông?

Đúng vậy, nếu như người sử dụng lao động ký hợp đồng dưới 3 tháng với người giúp việc, nhưng bằng thỏa thuận miệng thì rõ ràng không thể bắt buộc người ta phải đóng bảo hiểm được. Một thực tế nữa là những người cần người giúp việc hiện nay khá nhiều, trong khi đó người làm giúp việc gia đình hiện nay thường là những người không thể tìm được việc làm khác. Người ta không có tay nghề, trình độ, cho nên những người đó nếu mà không đi làm thuê, giúp việc gia đình thì rất khó tìm việc làm khác, đối với họ có việc làm là rất tốt rồi.

Nhưng đóng bảo hiểm là quy định thưa ông?

Theo tôi nếu quy định mà căng và ảnh hưởng đến người thuê thì người ta tìm cách thuê người giúp việc từng ngày chẳng hạn, như thế cũng chính là đẩy về phía người lao động giúp việc tự do sẽ không có công việc ổn định.

Với đặc thù của người làm giúp việc, khác với những việc lao động khác tức là người làm việc khác chỉ làm ngày 8 tiếng/ngày hết giờ rồi họ về và được trả lương. Riêng người giúp việc ở đây có khi lương trả thấp thôi, tháng chỉ 2-3 triệu đồng, nhưng ngoài ra người giúp việc còn không mất tiền ở, tiền ăn, riêng tiền ở nếu mà ở Hà Nội anh thuê chỗ ở có rẻ đi nữa thì 1 tháng anh cũng phải mất bạc triệu rồi. Và như thế bây giờ tiền lương, tiền ăn, tiền ở 1 tháng họ được hưởng khoảng 6 - 7 triệu đồng, xong rồi lại cộng thêm các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nữa nó sẽ lên ở mức thu nhập khoảng chục triệu đồng/tháng.

Thực tế, bây giờ người lao động trẻ mới ra trường đi làm rồi gia đình có con phải thuê người giúp việc, cộng với các khoản chi trả ấy thì các khoản phải chi của họ sẽ gấp đôi số lương được hưởng. Đấy cũng là vấn đề khó khăn cho nên cần phải tính toán, cân nhắc lại.

Vậy theo ông cần phải quy định như thế nào?

Theo tôi, tốt nhất là không nên quy định người thuê phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người giúp việc mà nên để người giúp việc tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện. Có nghĩa là khi có thỏa thuận giữa bên làm thuê và bên sử dụng lao động nên thỏa thuận với nhau cụ thể mức lương một tháng là bao nhiêu và cộng thêm các khoản khác trong đó có tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người làm thuê tự nguyện đóng. Còn nếu họ không đóng thì thuộc về quyền lợi của họ thôi.

Vậy quy định đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho “ô sin” không khả thi thưa ông?

Đúng như vậy, vì việc làm của người giúp việc thường không ổn định, tháng này họ có thể làm việc cho người này, nhưng tháng sau họ lại làm việc cho người khác, công việc của họ thay đổi thường xuyên nên nếu đặt ra quy định đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ khó thực hiện, không có tính khả thi, nhất là bây giờ để kéo các ông cán bộ xã, phường, thị trấn vào xác nhận cái việc như thế.

Trong Nghị định thì quy định 10 ngày sau khi ký hợp đồng thì người sử dụng lao động phải đến báo chính quyền xã phường, nhưng nếu người sử dụng lao động không báo chính quyền thì có cơ chế nào để phạt không. Có cái gì để ràng buộc trách nhiệm của chính quyền đối với việc này không?

Nếu quy định như vậy chỉ áp dụng được trên giấy, thưa ông?

Theo tôi là quy định như vậy khó khả thi, do những bất cập tôi đã nói ở trên, vì không có quy định xử phạt đối với những người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm quy định này.

Xin cảm ơn ông!