Ảnh minh họa |
Ông cho biết cụ thể hơn về điều này?
Trong vài năm trở lại đây, NHNN đều đưa ra thông điệp về tỷ giá với biên độ điều chỉnh không vượt quá 1 - 2%/năm. Điều này giúp DN chủ động trong các kế hoạch vay - trả nợ với NH. Những năm trước đây, tỷ giá bấp bênh, các NH sẽ nhắc DN trả nợ sớm, còn hiện tại điều này không xảy ra. Vì lẽ đó, hoạt động sản xuất của DN duy trì ổn định.
Có thể đối với Hòa Phát, thay đổi tỷ giá không tác động quá nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Nhưng với nền kinh tế, chính sách điều hành tỷ giá ổn định rất quan trọng. Dù là điều chỉnh ít hay nhiều nhưng mỗi lần thay đổi tỷ giá sẽ tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc cơ quan quản lý thay đổi tỷ giá theo tín hiệu thị trường và trong biên độ cam kết thì không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của DN. Còn nếu chính sách bấp bênh, thay đổi liên tục sẽ gây khó cho sản xuất kinh doanh của DN. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, tỷ giá biến động nhiều sẽ là khó chồng khó cho DN.
Nhu cầu vay ngoại tệ của Hòa Phát có nhiều vào cuối năm không, thưa ông?
Nhu cầu vay USD của DN có nhích lên, nhưng không đáng kể. Hiện hạn mức tín dụng NH cấp cho Hòa Phát là 700 nghìn USD với lãi suất 4%/năm. Chúng tôi chỉ vay ngắn hạn 6 tháng, trả hết nợ quay vòng trả tiếp. Thực tế, DN vẫn vay ngắn hạn, bên cạnh lý do thị trường đầu ra sản phẩm chưa thực sự ổn định, còn một lý do là DN đợi lãi suất cho vay giảm hơn nữa thì mới mạnh dạn vay vốn. Nhưng chúng tôi hiểu, nếu để các NH tự giảm lãi suất cho vay là rất khó, vì lãi suất huy động còn cao. Nên tôi cho rằng, để các NH tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì lãi suất huy động phải giảm thêm.
Ý ông là trần lãi suất huy động cần phải giảm thêm?
Đúng vậy. Nếu muốn tiền rót vào sản xuất kinh doanh thì phải hạ lãi suất huy động tiền gửi. Vì sao lại phải làm vậy? Bởi nếu lãi suất huy động vẫn còn cao, NH lại cứ đảm bảo thực dương cho người gửi tiền thì trong thời điểm các "kênh" đầu tư đều khó thì ai cũng muốn mang tiền nhàn rỗi gửi NH. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy, vì lãi suất vẫn đang đáp ứng kỳ vọng người gửi tiền. Do đó, lãi suất huy động giảm là cơ sở để các NH giảm lãi suất cho vay.
Đối với DN, dù ở bất kỳ thời điểm nào cũng mong muốn lãi suất ở mặt bằng thấp. Dẫu không còn là điều kiện tiên quyết để giúp các DN tối đa hóa lợi nhuận, nhưng nó vẫn có ý nghĩa quan trọng giúp DN giảm thiểu được chi phí hoạt động. Với DN làm ăn không đúng, mang tính chất liều lĩnh có thể vẫn chấp nhận vay lãi suất cao…
Tôi nghĩ, đến thời điểm này các NH không dám cho vay bừa bãi đối với các đối tượng khách hàng này. Thực tế, DN cũng hiểu không thể đòi hỏi mặt bằng lãi suất quá thấp. Nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn thì cũng nên điều chỉnh ở mức hợp lý hơn để cho các DN làm ăn chân chính có thêm cơ hội mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Khi DN mạnh dạn vay vốn, vốn chảy vào sản xuất kinh doanh sẽ hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng vốn sử dụng hiệu quả hơn với chi phí thấp sẽ nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Có thể khi đặt vấn đề giảm lãi suất huy động, nhiều người lo lắng tiền chảy ra khỏi NH. Thực tế, thời gian qua lãi suất huy động giảm mạnh từ hai con số xuống chỉ còn 5 - 5,5%/năm, nhưng tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng trưởng tốt. Điều đó cho thấy, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất huy động và cho vay, cho dù là rất nhỏ nhưng đối với DN thì vẫn có ý nghĩa lớn.
Xin cảm ơn ông!