Cách đây vài tháng, thị trường đã bất ngờ khi tập đoàn bất động sản Kaisa của Trung Quốc tuyên bố vỡ nợ do không thanh toán được các khoản trái phiếu bằng đồng USD. Một số dự án bất động sản của tập đoàn này đã bị chính quyền địa phương đóng cửa, dẫn đến nhiều dự đoán cho rằng Kaisa là một nạn nhân của sự thay đổi đang diễn ra trong ngành kinh doanh bất động sản tại Trung Quốc đại lục. Việc Kaisa vỡ nợ đã được nhiều nhà đầu tư dự đoán trước và nhận định đó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mặc dù những nguyên nhân cụ thể khiến Kaisa vỡ nợ chưa bao giờ được giải thích đầy đủ, nhưng sự kiện này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà đầu tư lo ngại về sự gia tăng tín dụng tại các tập đoàn Trung Quốc.
Chuyên gia Ruchir Sharma của Morgan Stanley Investment Management cho biết tốc độ gia tăng nợ của Trung Quốc trong 5 năm qua là lớn nhất trong số các quốc gia đang phát triển, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II.
Tỷ lệ tín dụng doanh nghiệp hiện đã ở mức gần 200% GDP, mức cao nhất trong số các quốc gia đang phát triển. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ này đã gia tăng gấp đôi so với trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào năm 2008.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã phát hành trái phiếu bằng đồng USD ở mức kỷ lục. Theo số liệu của JPMorgan, con số này đã đạt 42 tỷ USD tính đến ngày 29/5/2015.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phát hành tại Trung Quốc đại lục hiện nay có tổng giá trị cao gấp 11 lần so với tháng 1/2007.
Ngoài ra, các tập đoàn bất động sản, như Kaisa, là những công ty có vay nợ nhiều nhất ở Trung Quốc đại lục. Ngân hàng nước này cũng không thực sự muốn cho vay đối với những công ty quốc doanh địa phương hay khai thác khoáng sản tại Trung Quốc.
Có 7/10 công ty phát hành nhiều trái phiếu lãi suất cao nhất Châu Á là doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc với mức xếp hạng tín nhiệm thấp. Những công ty này đã vay được gần 20 tỷ USD trên thị trường trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số nợ của họ.
Nhiều nhà đầu tư với quan điểm bi quan cho rằng tình trạng vay nợ cao này sẽ tiếp tục khiến nhiều công ty Trung Quốc vỡ nợ. Bằng chứng là chi phí vay vốn thực tế của Trung Quốc là khá cao do những áp lực giảm phát.
Hơn nữa, chi phí tín dụng bằng đồng USD thậm chí có thế cao hơn nữa nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất. Trong trường hợp đồng USD tiếp tục tăng giá, chính quyền Bắc Kinh sẽ không thể giữ tỷ giá hối đoái như hiện tại mà buộc phải hạ giá đồng Nhân dân tệ, vốn đã mất khả năng cạnh tranh với đồng Yên và Euro.
Điều này sẽ khiến các công ty Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, gặp khó khăn trong việc thanh toán bằng đồng USD do lợi nhuận của họ được quy đổi bằng đồng Nhân dân tệ.
Bất chấp những số liệu đáng báo động như vậy, sự lo ngại của nhà đầu tư về các cuộc vỡ nợ lớn đã giảm bớt. Hàng loạt những thông tin từ thị trường chứng khoán, quyết tâm giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Trung Quốc và dấu hiệu các ngân hàng thương mại sẵn sàng gia tăng tín dụng đã làm giảm lo ngại của nhà đầu tư.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng sự phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giúp các công ty nước này tăng vốn chủ sở hữu nhằm giúp trả nợ các khoản vay.
Cách đây 2 tuần, một trong những công ty bất động sản có đòn bẩy tín dụng cao nhất là Evergrande Real Estate đã phát hành thêm cổ phiếu mới trị giá 600 triệu USD.
Hãng CreditSights cho biết việc Kaisa vỡ nợ vào cuối năm 2014 đã gây ra một đợt bán tháo khi nhà đầu tư lo ngại nhiều công ty tương tự có thể cũng bị như vậy. Nhưng nỗi lo lắng của thị trường có vẻ như đã hết khi các công ty bất động sản lớn như Shimao, Evergrande hay Country Garden quay trở lại thị trường và phát hành thành công cổ phiếu mới.
Bên cạnh đó, những động thái của chính quyền Bắc Kinh cũng góp phần thúc đẩy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Trước đây, khi một công ty vỡ nợ, các ngân hàng trong nước sẽ nhanh chóng đóng băng tài sản của doanh nghiệp này. Sau đó tịch thu và bán đấu giá các tài sản như một khoản thế chấp, đồng thời thường xuyên hạ giá trị thực của các tài sản trong quá trình này.
Tuy nhiên, trong những đợt vỡ nợ thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc đã “âm thầm” đề nghị các ngân hàng không nên hành động quá nhanh chóng.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận lớn tiếp tục bị thu hút bởi thị trường Châu Á nhờ lãi suất cao bất chấp những yếu tố rủi ro cơ bản tại đây. Đặc biệt, niềm tin “mù quáng” của nhà đầu tư vào thị trường Trung Quốc đã làm bất ngờ nhiều chuyên gia kinh tế.