Điều kiện sở hữu chéo: Quan trọng là con số nợ xấu phải thật

TS Trần Du Lịch cho rằng áp dụng quy định ngân hàng nợ dưới 3% mới được sở hữu cổ phần ngân hàng khác là đúng, nhưng phải đảm bảo con số nợ xấu đó là thực.

Thông tư 36 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành có nhiều nội dung quan trọng về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về chủ đề này.

PV: Thưa ông, một điểm nới lỏng của Thông tư 36 là nâng tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn của ngân hàng thương mại lên 60%, thay vì 30% như trước kia. Ông đánh giá thế nào về quy định này?

ĐB Trần Du Lịch: Đó cũng chính là một trong những đề xuất của tôi. Về lý thuyết, nếu đẩy quá cao cho vay trung và dài hạn sẽ làm rủi ro cho hệ thống, nhưng nếu NHNN thực hiện được vai trò ngân hàng mẹ, tức là thực hiện tái cấp vốn, thì đẩy tỷ lệ đó lên trong điều kiện hiện nay là hoàn toàn cho phép về thanh khoản. Bởi hiện nay chỉ có khoảng 15% vốn huy động là trung hạn và dài hạn. Nếu chúng ta được cho vay thêm 30% trên số 85% đó thì những doanh nghiệp làm ăn tốt, có nhu cầu vay trung dài hạn sẽ vay được, đẩy tăng tín dụng lên. Hiện nay trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh mức cho vay trung hạn trên tổng cho vay khoảng trên 45%, với quy định mới này thì tỷ lệ có thể vượt trên 50%. Bên cạnh đó, khi nới cho vay trung và dài hạn thì lãi suất có điều kiện để giảm, vì tăng cung thì cầu giảm.

" Năm 2012, chúng ta không hề nói nợ xấu là tới 17%, bây giờ qua rồi, chúng ta mới nói. Vậy bây giờ, người ta cũng có thể nghi ngờ khi ngân hàng công bố nợ xấu là 5,4% hay hơn."

TS Trần Du Lịch

Vì vậy, tôi hoan nghênh NHNN thực hiện giải pháp này, giải pháp mà tôi nhiều lần đề nghị là cần thiết để giảm lãi suất trung và dài hạn xuống, giúp được các doanh nghiệp làm ăn tốt tái cơ cấu.

PV: NHNN cũng giảm hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán từ 250% xuống còn 150%, mức thấp nhất theo thông lệ. Theo ông, quy định mới này có phù hợp với tình hình thị trường không?

TS Trần Du Lịch: Đầu tiên, phải nói rằng sau thời kỳ cho vay thái quá về bất động sản, chúng ta đã siết lại và đưa ra một khái niệm mà tôi không đồng tình, đó là đưa bất động sản vào lĩnh vực phi sản xuất, trong khi đó vẫn là lĩnh vực sinh lời. Cùng với đó, chúng ta cũng siết chặt cho vay lĩnh vực này. Hiện nay, nếu chúng ta nới lỏng các quy định thì cũng là phù hợp vì dư địa của thị trường còn lớn. Hơn nữa, nhiều bất động sản đóng băng đang nằm trong tài sản thế chấp, nợ xấu mà ngân hàng, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua, vì vậy việc nới là cần thiết.

PV: Để khắc phục tình trạng sở hữu chéo, NHNN đã có quy định ngân hàng chỉ được sở hữu cổ phần không quá 2 ngân hàng khác, với một trong các điều kiện là nợ xấu dưới 3%. Theo ông, quy định này đã hợp lý chưa?

TS Trần Du Lịch: Đây là một nỗ lực của NHNN để giải quyết vấn đề tồn tại của lịch sử. Một trong những thành công đầu tiên - nhiều ông chủ giấu mặt trước đây đã lộ diện, đó là điều quan trọng, làm thị trường lành mạnh hơn. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng hiện nay là tiêu chuẩn nợ xấu 3% theo quy định, vấn đề quan trọng ở đây là nợ xấu có thật hay không. Năm 2012, chúng ta không hề nói nợ xấu là tới 17%, bây giờ qua rồi, chúng ta mới nói. Vậy bây giờ, người ta cũng có thể nghi ngờ khi ngân hàng công bố nợ xấu là 5,4% hay hơn. Tôi cho rằng, áp dụng quy định đó là đúng, nhưng để đảm bảo nợ xấu thực dưới 3% là tôi thấy nghi ngờ, nhất là với những ngân hàng sở hữu chéo.

Vì vậy, tôi đề nghị NHNN phải có biện pháp xác định chắc chắn rằng nợ xấu đã đúng tiêu chuẩn chưa. Thậm chí, nợ xấu có thể hơn 3% cũng được, nhưng phải là thực.

PV: So với thế giới, mức nợ xấu 3% này có phải là tiêu chuẩn chung không thưa ông?

TS Trần Du Lịch: Điều này còn phải tùy sức khỏe nền kinh tế. Tất cả các tiêu chí trên thế giới không có tiêu chí nào cố định. Cũng như nợ công, có nước như Nhật Bản nợ tới 247% GDP, nhưng vẫn an toàn.

Ngoài ra, nợ xấu cũng chỉ là một tiêu chí cùng với nhiều tiêu chí khác về an toàn ngân hàng như là vốn chủ sở hữu so với tài sản của ngân hàng. Với ngân hàng của chúng ta hiện nay, mức 3% được coi là tiêu chuẩn vì nó không gây nguy cơ mất thanh khoản, đổ vỡ. Và với mức đó, nếu nguy cơ gì thì ngân hàng mẹ, tức là NHNN có thể lo được.

PV: NHNN cũng có điều kiện mở là trong trường hợp tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì ngân hàng thương mại nếu không đủ điều kiện vẫn có thể được sở hữu cổ phiếu ngân hàng khác, khi được NHNN chấp thuận. Ông đánh giá thế nào về điều này?

TS Trần Du Lịch: Nếu được sở hữu cổ phiếu ngân hàng khác, mà tỷ lệ nợ xấu trên 3%, là tỷ lệ nợ thực, thì cũng phải xem xét đó là ngân hàng nào. Đây là vấn đề rất chủ quan và phải xử lý đến nơi đến chốn. Không hẳn lấy một tiêu chí rồi xét ai cũng được, vấn đề anh là ai nữa? Và khoản nợ trên 3% đó là cái gì, bao gồm nợ thế nào, nợ có khả năng mất vốn bao nhiêu, có thể thu hồi bao nhiêu,… còn nhiều yếu tố. Vì vậy, tôi nghĩ đây là chuẩn NHNN đưa ra để xem xét từng trường hợp chứ không thể dùng đồng loạt được.

PV: Xin cảm ơn ông!