Tuy nhiên, bất chấp các tiến bộ đã đạt được, rủi ro đối với kinh tế thế giới và nguy cơ bất ổn tài chính vẫn hiện hữu. Trên phương diện tài chính, điểm nổi bật của Hội nghị G20 vừa qua là các nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận trong việc thúc đẩy các biện pháp chống trốn thuế và xây dựng hệ thống các quy định về ngân hàng chặt chẽ hơn, nhằm tăng cường sức mạnh của các tổ chức tài chính toàn cầu, ngăn chặn nguy cơ các ngân hàng lớn trên toàn cầu sụp đổ… Quy định này hướng tới việc cải thiện cấp độ cũng như chất lượng của nguồn vốn của các ngân hàng và thanh khoản. Giới phân tích cho rằng, việc loại bỏ vai trò (cứu trợ) của người đóng thuế đối với các khoản nợ xấu của ngân hàng một cách hợp lý sẽ khiến các nhà đầu tư nhận thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc đánh giá rủi ro tại chính các ngân hàng gặp vấn đề, qua đó, giảm tần suất của các cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng cũng như thiệt hại đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, những quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tối đa rủi ro thanh khoản của các ngân hàng cũng làm tăng chi phí vốn và làm giảm mức độ sẵn có của tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế và thanh khoản trên các thị trường tài chính. Đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu, căng thẳng giữa mục tiêu chính sách tiền tệ và quy định ngân hàng đặc biệt sâu sắc tại thời điểm hiện nay, bởi ngân hàng này đang tìm cách mở van tín dụng đối với các nền kinh tế trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cuộc khủng hoảng tài chính và các chính sách ứng phó với nó đã đẩy mức độ phi trung gian hóa của các ngân hàng lên cao, khi các công ty lớn tăng mức độ tín nhiệm đối với các thị trường vốn công, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chuyển hướng sang các nhà cho vay trực tiếp thay thế. Trong bối cảnh G20 thống nhất kiểm soát các kênh rủi ro giữa ngân hàng và phi ngân hàng, thì cũng là lúc các nhà hoạch định chính sách và quản lý nhận ra rằng, chính kênh phi ngân hàng hiện là nguồn cấp chính của dòng tín dụng và đầu tư mới. Trên thực tế, nguồn cung thanh khoản của hệ thống ngân hàng cho các thị trường tài chính đã bị thu hẹp. Ngay cả khi thị trường trái phiếu toàn cầu tăng quy mô lên hơn gấp đôi thì sự độc quyền trong thanh khoản của các ngân hàng cũng giảm dần và danh mục giao dịch đã giảm tới 70% kể từ năm 2008. Các nhà điều hành năng động phản ứng lại điều này bằng cách tăng cán cân tiền mặt và trông cậy nhiều hơn vào các công cụ phái sinh, cũng như yêu cầu phát hành lớn hơn và nhiều hơn các khoản nợ luân chuyển. Vì vậy, giải quyết "ảo ảnh thanh khoản" của các nhà đầu tư là thách thức chính sách then chốt đối với các nhà quản lý và điều hành đầu tư. Mặt khác, khi các ngân hàng hoàn thiện bảng báo cáo tài sản để tuân thủ các quy định ràng buộc về vốn vay và thanh khoản, vốn tự có thì cũng đồng nghĩa với việc một nguồn thanh khoản chủ chốt của thị trường và các nhà đầu tư đang bị xói mòn. Theo ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs, giá trị thị trường Repo chủ chốt tại Mỹ, nơi người giao dịch cho vay và bán cổ phiếu và trái phiếu cho những người khác, đã sụt giảm tới 350 tỷ USD, một xu hướng có thể còn tiếp diễn trong bối cảnh các chính sách đối với hệ thống ngân hàng, tài chính đang thay đổi chóng mặt như hiện nay. Đã hơn 5 năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London (Anh) và trong khoảng thời gian đó, đã có khoảng 6.000 tỷ USD thanh khoản đã được các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bơm vào thị trường tài chính, kinh tế thế giới và hệ thống tài chính toàn cầu một lần nữa đang đứng trước thời điểm then chốt. Những cải cách trong lĩnh vực tài chính đang ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng cũng như khả năng cung vốn cho các nhà đầu tư. |