[ĐHĐCĐ MBBank] 9 tháng lãi 2.400 tỷ, kiến nghị NHNN miễn giảm thuế MFinance

[ĐHĐCĐ MBBank] 9 tháng lãi 2.400 tỷ, kiến nghị NHNN miễn giảm thuế MFinance

(NDH) Ngay sau khi sáp nhập SDFC, Ngân hàng Quân đội sẽ đồng thời thành lập công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn của MB – Cty TNHH MTV MB (M Finance) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. MB cũng kiến nghị NHNN miễn giảm thuế 20% cho chính MB trong 3 năm đầu tiên.

Sáng ngày 6/10/2015, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội (mã MBB-HoSE) đang tổ chức Đại hội cổ đông bất thường bàn về việc sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) vào MBB với sự tham gia 236 cổ đông của 74,7% tổng số cổ phần đang lưu hành.

Cổ đông MBB sẽ được nhận cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 0,25% từ thương vụ sáp nhập

Tại Đại hội, ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT MB trình cổ đông phương án phát hành 31,18 triệu cổ phần cho cổ đông của SDFC để hoán đổi lấy 68,6 triệu cổ phần đang lưu hành của SDFC.

Trong đó, 2,2 cổ phần của SDFC sẽ được hoán đổi ngang bằng 1 cổ phần của MBB, tương đương 59,8 triệu cổ phần của các cổ đông SDFC sẽ hoán đổi thành 27,18 triệu cổ phần MBB.

Do bản thân MBB cũng là cổ đông của SDFC nên theo phương án này, cổ đông của MBB cũng sẽ nhận thêm cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần (phát hành cổ phiếu thưởng). Cụ thể, 1 cổ phần của cổ đông hiện hữu MBB sẽ được nhận thêm 0,0025 cổ phần MBB tại thời điểm phát hành cổ phiếu, tương đương 8,8 triệu cổ phần của SDFC mà MBB sở hữu được hoán đổi thành 4 triệu cổ phần của MBB.

Cổ phiếu phát hành thêm sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Lộ trình sáp nhập dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 12/2015. Tháng 10 tới, MBB sẽ xin chấp thuận nguyên tắc và sáp nhâp của NHNN. MBB dự kiến sẽ hoàn tất sáp nhập vào tháng 12/2015

Sau khi sáp nhập SDFC, Ngân hàng Quân đội sẽ đồng thời thành lập công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn của MB – Cty TNHH MTV MB (M Finance) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Thời gian hoạt động 99 năm. Giấy phép hoạt động của công ty tài chính là tài sản có giá trị lớn mà MBB thu được từ giao dịch sáp nhập này.

Kiến nghị miễn 20% thuế TNDN đối với MB trong 3 năm tới

MB đã đề xuất hàng loạt kiến nghị đối với NHNN. Đáng chú ý, MBB xin NHNN chấp thuận cho MB được tìm kiếm đối tác chiến lược để mua cổ phần hoặc liên doanh với Công ty tài chính tiêu dùng MB sau một thời gian hoạt động với tỷ lệ nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ công ty tài chính.

MBB cũng đề xuất NHNN có ý kiến với Cơ quan thuế xem xét giãn,miễn, giảm thuế TNDN phải nộp trong 5 năm đầu đối với bản thân MB và công ty M Finance mới được thành lập.

Đối với các khoản nợ, phải thu của SDFC, MB đề xuất NHNN phê duyệt để SDFC phân loại nợ và trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản vay, mua trái phiếu trước khi sáp nhập. Nợ xấu của SDFC được MBB đề nghị NHNN cho quản lý và theo dõi riêng theo cơ chế đặc biệt và không cộng vào số dư nợ xấu.

Đối với hoạt động kinh doanh của M Finance, MB kiến nghị cho công ty được triển khai tích hợp sản phẩm liên kết với Viettel và MB để hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, cho phép MB trực tiếp hỗ trợ tài chính và thanh khoản cho M Finance trong 5 năm đầu thành lập. MBB cũng kỳ vọng sẽ được miễn thuế đối với M Finance mới được thành lập gồm miễn 100% thuế TNDN trong 3 năm đầu và miễn 50% thuế TNDN trong 2 năm tiếp theo và miễn thuế đối với bản thân MB 20% trong 3 năm đầu tiên sau sáp nhập.

Kế hoạch kinh doanh MBB sau sáp nhập

Đại diện NHNN, ông Hoàng Quốc Mạnh Phó vụ trưởng Vụ quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng.

Đối với các kiến nghị của MB, NHNN hoàn toàn ủng hộ và sẽ sớm có chấp thuận về nguyên tắc và hoạt động sáp nhập. Liên quan đến việc thành lâp công ty tài chính, NHNN đã có buổi làm việc với MB và các bên liên quan và NHNN rất ủng hộ. Các vấn đề liên quan đến thuế, trong chừng mực nhất định, NHNN sẽ đề xuất kiến nghị Bộ tài chính/ cơ quan thuế để có xử lý tốt nhất theo quy định pháp luật.

Theo ông Mạnh, việc MB đã tham gia sáp nhập SDFC. Điều này vừa giúp NHNN trong thực hiện tái cơ cấu TCTD, đồng thời giúp MB thực hiện chiến lược của mình. Muốn hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ngân hàng cần có công ty tài chính độc lập. Đánh giá về hoạt động sáp nhập giữa MBB-SDFC, ông Mạnh cho rằng hoạt động sáp nhập có ảnh hưởng đến tình hình tài chính, hoạt động chung của MB nhưng tương lai lâu dài đây là cơ hội tốt để MB có thể phát triển hoạt động của mình.

Ông Mạnh cho biết thêm nhu cầu tham gia mảng tài chính rất lớn, nhiều tổ chức nước ngoài đăng ký.Tuy nhiên, theo chủ trương NHNN đề xuất với chính phủ việc thành lập mới công ty tài chính đối với nước ngoài sẽ hạn chế trong vài năm nữa để tập trung tiến hành tái cơ cấu. Nước ngoài muốn bước vào mảng hoạt động tài chính tiêu dùng sẽ phải trực tiếp tham gia tái cơ cấu công ty tài chính của Việt Nam.Điều này sẽ giúp hạn chế cạnh tranh rất lớn trong tương lai nên NHNN ưu tiên NH trong nước phát triển mô hình này.

Sau ý kiến của NHNN, Đại hội tiến hành thảo luận với hàng loạt câu hỏi của cổ đông được đưa ra về tỷ lệ hoán đối 2,2:1, tình hình các khoản nợ, phải thu của SDFC, ảnh hưởng của hoạt động sáp nhập đối với cổ đông và với tình hình hoạt động kinh doanh của MB sau sáp nhập, kế hoạch kinh doanh tương lai và NIM của MBB, kết quả kinh doanh ước tính 9 tháng đầu năm...

Nói về ảnh hưởng của cổ đông MB khi thực hiện hoạt động sáp nhập này, Phó Chủ tịch Lưu Trung Thái cho rằng có ba mối lo lớn nhất là tỷ lệ pha loãng của cổ đông MB, giá cổ phiếu sau khi sáp nhập và cổ tức có bị ảnh hưởng lớn sau hoạt động này không.

Theo ông Thái, quy mô tài sản cùng với vốn điều lệ của SDFC đều nhỏ hơn so với MBB nên tỷ lệ pha loãng nhỏ. Ông Thái cũng cho biết thêm từ khi công bố đề án sáp nhập, giá cổ phiếu MBB thực tế không giảm mà vẫn tăng khávà có thể còn tăng nữa.

Tại Đại hội, ông Thái cũng công bố sơ bộ kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng 13%, huy động tăng 14% so với đầu năm. Lợi nhuận MBB đạt được khoảng 2.400 tỷ đồng, sát kế hoạch chung đặt ra.

Dự phòng năm 2016 dự kiến sẽ vẫn tương ứng năm 2015, khoảng 2.000 tỷ đồng vì dù giảm tỷ lệ nợ xấu nhưng MB cần trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC năm 2016.

Đại hội tiến hành lấy ý kiến cổ đông. Theo dó, đã có 221 phiếu tán thành, tương ứng với 84,89% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. 8 phiếu không có ý kiến tương ứng với 14,55% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Còn lại, 8 phiếu không tán thành với phương án trên.