11h45: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình
Trong đó, tỷ lệ cổ tức năm 2014 là 5% bằng tiền mặt. Sau đó HDBank sẽ trình xin ý kiến của NHNN về việc chia cổ tức bằng tiền mặt.
Chưa có kế hoạch mua lại, sáp nhập với TCTD khác
10h30: Đại hội bước vào thảo luận
Cổ đông đề nghị chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu?
Đại diện HDBank cho biết sẽ biểu quyết theo ý kiến số đông của cổ đông là chia cổ tức bằng tiền mặt.
NHNN tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống toàn ngân hàng, chiến lược của HDBank như thế nào trong công cuộc tái cấu trúc? Có kế hoạch sáp nhập thêm TCTD nào khác không?
Bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết chiến lược phát triển 5 năm 2015-2020 đã trình cổ đông năm trước, tuy nhiên năm nay HDBank sẽ nghiên cứu và trình bày lại chiến lược phát triển trong thời gian tới của Ngân hàng. Tại Đại hội 2015, HDBank sẽ là xin cổ đông thông qua về chủ trương tái cấu trúc, sau đó HĐQT sẽ hoạch định lại chiến lược phù hợp trong thời gian tới.
Về việc xin cổ đông ủy quyền quyết định phương án mua lại, sáp nhập TCTD của HDBank chỉ là đưa chủ trương, nếu có cơ hội tốt thì không từ bỏ, hiện HDBank chưa có kế hoạch cụ thể cho việc mua lại, sáp nhập TCTD khác.
Việc tiếp xúc với các đối tác chiến lược nước ngoài như thế nào và các đối tác này đánh giá như thế nào về HDBank?
Bà Lê Thị Băng Tâm cho biết mục tiêu xuyên suốt của HĐQT các năm qua là tìm kiếm đối tác chiến lược. Ngân hàng đã có nhóm nghiên cứu, tư vấn chi tiết cho phương án này. Đã có nhiều đối tác là định chế lớn đến từ nhiều quốc gia và châu lục khác nhau từ Mỹ, Đông Âu, châu Âu, châu Á tiếp xúc với HDBank nhưng để tìm được đối tác chiến lược phù hợp là điều không đơn giản bởi có đối tác tốt, đưa ra giá hấp dẫn nhưng yêu cầu tỷ lệ sở hữu không theo quy định của NHNN.
Bên cạnh đó, diễn biến thị trường trong năm vừa qua đã ổn định trở lại nhưng vẫn còn nhiều biến động nên nhiều đối tác vẫn còn thận trọng và chưa có quyết định cuối cùng.
Về đánh giá của đối tác về HDBank, các đối tác đánh giá tích cực về HDBank, với quy mô nằm trong top 10 các ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt đối tác đánh giá cao sức bật của HDBank đáp ứng yêu cầu kinh doanh, chất lượng dịch vụ, phát triển ngân hàng bán lẻ…
Vấn đề niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán?
Bà Lê Thị Băng Tâm cho biết năm 2014 HDBank đang tập trung triển khai cơ cấu lại, sắp xếp lại các chi nhánh, phòng giao dịch nên đã phát sinh nhiều chi phí. Về việc niêm yết trên sàn chứng khoán, trong năm 2014, nhìn chung các ngân hàng niêm yết trên TTCK có giá cổ phiếu không tốt nên HĐQT nhìn nhận thời điểm này chưa thuận lợi cho việc niêm yết.
Bà Tâm cũng không hứa năm 2015 sẽ niêm yết cổ phiếu HDBank mà sẽ chọn thời điểm thích hợp, cân nhắc có lợi cho cổ đông.
Tiếp tục tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài
10h15: Đại diện HDBank trình cổ đông chiến lược tái cơ cấu năm 2015
Về chiến lược tái cấu trúc HDBank, liên quan đến việc triển khai phương án hợp tác giữa các tổ chức và định chế tài chính trong và ngoài nước với HDBank và Công ty con HDFinance, ngày 31/03/2015, NHNN đã có quyết định HDBank chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDFinance) cho đối tác Credit Saison Co. Ltd (Nhật Bản) và CTCP Chứng khoán TPHCM – HSC (HCM).
Liên quan đến việc triển khai lựa chọn và quyết định phương án tìm đối tác chiến lược nước ngoài tham gia vào HDBank, trong năm 2014 HĐQT đã tập trung nguồn lực tái cơ cấu, tích hợp hai TCTD sau sáp nhập, phát triển hệ thống mạng lưới kinh doanh nên chưa thực hiện công tác tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, HDBank vẫn tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn để đưa các đối tác chiến lược nước ngoài có thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, hợp tác phát triển kinh doanh.
Năm 2014 là năm đầu tiên HDBank hoạt động trên nền tảng vừa sáp nhập thành công DaiABank vào HDBank và mua lại 100% vốn Công ty Tài chính Việt (SGVF).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, HĐQT HDBank sẽ trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định phương án mua lại, sáp nhập với TCTD khác theo đúng quy định pháp luật, phương án tìm đối tác chiến lược nước ngoài tham gia vào HDBank.
10h00: Ông Lưu Đức Khánh – Thành viên HĐQT HDBank trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 5%, tương đương 405 tỷ đồng.
Kế hoạch lãi trước thuế 2015 đạt 830 tỷ đồng, tăng 19%
09h25: Đại diện HDBank trình cổ đông thông qua kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014 và kế hoạch hoạt động năm 2015.
Ngân hàng trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 với tổng tài sản 120,882 tỷ đồng, tăng 21.5% so với năm trước. Huy động vốn trên thị trường 1 dự kiến tăng 11.5% lên 76,950 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đặt chỉ tiêu 61,192 tỷ đồng, trong đó riêng lẻ của HDBank đạt 57,550 tỷ (tăng 11%) và HDFinance ở mức 3,642 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của HDBank năm 2015 là 830 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 647 tỷ đồng. ROE đạt 8%.
Trong năm 2014, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, cao gấp 2.8 lần năm trước (trong đó lợi nhuận riêng lẻ của HDBank là 525 tỷ, HDFinance đạt 175 tỷ, Công ty AMC đạt 0.3 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn bình quân (ROE) đạt 6.85%.
Theo báo cáo hợp nhất năm 2014, HDBank đạt lợi nhuận sau thuế 477 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2013.
Tổng tài sản của Ngân hàng tính đến cuối năm 2014 đạt 99,525 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Tổng vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 16% và 10%, đạt 88,682 tỷ và 54,146 tỷ đồng. Riêng dư nợ cho vay của HDFinance đạt 2,329 tỷ, tăng 56% so với năm 2013. Tỷ lệ nợ xấu của HDBank ở mức 1.4%, trong đó riêng lẻ của Ngân hàng là 1.27%, HDFinance là 4.83%. Tỷ lệ an toàn vốn ở mức 10.7%.
Đến cuối năm 2014, HDBank có 209 điểm giao dịch trên toàn hệ thống, tăng 18 điểm so với năm trước đó.
![]()
ĐHĐCĐ thường niên 2015 của HDBank. |
09h15: Đại hội bắt đầu với sự tham dự của 380 cổ đông, đại diện tỷ lệ 94% cổ phần có quyền biểu quyết.