Lý do chính khiến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam giảm nhẹ là do số lượng người tiêu dùng đánh giá "đây là thời điểm xấu" để mua các vật dụng chính trong gia đình đã tăng lên. Theo đó, khoảng 40% (không thay đổi) người tiêu dùng Việt Nam nói rằng "đây là thời điểm tốt" để mua các vật dụng chính trong gia đình so với 21% (tăng 5%) người được hỏi cho rằng, đây là "thời điểm xấu" để mua các vật dụng này.
Điều này cũng phần nào được phản ánh trong báo cáo về CPI tháng 9 vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Cụ thể, CPI tháng 9/2014 của cả nước chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,62% so với cùng tháng năm trước; 9 tháng của năm 2014, CPI mới chỉ tăng 2,25%, gần bằng 1/3 mục tiêu kế hoạch lạm phát của năm, đồng thời cũng là mức tăng thấp nhất trong 12 năm trở lại đây.
"Tình hình lạm phát thấp cho thấy, tổng cầu mặc dù cải thiện nhưng vẫn thấp, cùng với chi phí sản xuất cao, khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, khiến DN còn nhiều khó khăn, nhất là DN tư nhân, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của TCTD. Bên cạnh đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm, sao vẫn chưa thấy NHNN có động thái hạ lãi suất?", một chuyên gia kinh tế đặt vấn đề.
Thực tế, ngay từ cuối tháng 8, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã khuyến nghị, trong những tháng cuối năm, chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng. Căn cứ vào diễn biến của lạm phát, điều chỉnh mặt bằng lãi suất sao cho vừa tạo điều kiện để DN cắt giảm chi phí vốn, vừa không làm suy giảm năng lực tài chính của các TCTD.
Đại diện lãnh đạo OCB, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc phân tích, 4 ngân hàng thương mại gốc quốc doanh nắm giữ khoảng 40% thị phần huy động, 8 ngân hàng TMCP lớn chiếm 40%, 20% thuộc nhóm các ngân hàng TMCP còn lại và ngân hàng nước ngoài. Do đó, NHNN chủ yếu quan tâm tới lãi suất huy động của 12 ngân hàng lớn nhất chiếm giữ 80% thị phần. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 3 tháng của 12 ngân hàng này đang quanh mức 5%/năm, trong khi tiền gửi thanh toán không kỳ hạn rất lớn, nên chi phí huy động vốn trung bình có thể vào khoảng 4,5%/năm.
Theo ông Quang, ngoài nhóm ngân hàng nhỏ vẫn để lãi suất huy động ở mức 6%/năm kỳ hạn 1 - 3 tháng, các ngân hàng lớn định hướng thị trường đều có mức lãi suất huy động thấp hơn so với trần. Cụ thể hơn, một TCTD đang có cơ cấu cho vay/huy động khá cân bằng, tập trung cho vay phân khúc khách hàng vừa và nhỏ, cho vay cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ…, không chạy theo đầu tư kinh doanh chứng khoán, giấy tờ có giá nhiều, cũng không nhất thiết phải hạ lãi suất huy động theo các TCTD lớn - vốn có thế mạnh nguồn tiền gửi thanh toán không kỳ hạn dồi dào từ các tổ chức kinh tế lớn. Do đó, đặt vấn đề NHNN giảm trần lãi suất huy động có lẽ là không cần thiết bởi thị trường đã tự điều chỉnh.
"Trần lãi suất 6%/năm hiện nay là lãi suất định hướng, tổng quát chung cho cả lãi suất huy động và cho vay, mức lãi suất này cũng phù hợp với diễn biến thực tế của lạm phát thấp, có cân nhắc đến quyền lợi người gửi tiền trong điều kiện huy động vốn từ dân cư vẫn là kênh huy động vốn lớn nhất cho nền kinh tế", ông Quang nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho rằng, có cơ sở để hạ lãi suất huy động, tuy nhiên, điều này lại có thể tác động xấu đến người gửi tiền khi thu nhập ít đi, có khả năng người dân lại thắt chặt chi tiêu, làm ảnh hưởng xấu đến việc khôi phục kinh tế.
"Nếu đứng ở góc độ người làm ngân hàng, tôi ủng hộ hạ lãi suất, vì lãi suất huy động giảm không có nghĩa lãi suất cho vay giảm và ngân hàng có thể gia tăng thêm thu nhập từ việc giảm chi phí huy động. Nhưng nếu nhìn từ vĩ mô, tôi cho rằng không nên, vì lãi suất hiện nay không phản ánh đúng bản chất nền kinh tế", vị tổng giám đốc trên nói.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam), việc giảm lãi suất trần tiền gửi ở thời điểm này vẫn chưa thực sự cần thiết, nên để thị trường tự điều chỉnh. Tuy nhiên, NHNN cũng có khả năng xem xét việc giảm lãi suất trần nhằm đưa tín hiệu ra thị trường rằng, các ngân hàng đang cùng đồng hành chia sẻ khó khăn với các DN vay vốn.