Để "tận thu" dịch vụ ngân hàng

Người tiêu dùng ít để ý đến những tiện ích NH, để rồi rơi vào trạng thái ấm ức vì mất tiền oan.

Đầu tư tiền tỷ bỏ không

Đứng về phía người dùng, nếu NH khuyến khích khu vực dân cư sử dụng dịch vụ tài khoản để thanh toán thì bản thân phải có chính sách phát triển. Nhiều người mong muốn rằng, NH mở dịch vụ tài khoản, có hệ thống công nghệ hiện đại, việc theo dõi trở nên đơn giản hơn thì không có lý do gì để thu phí sử dụng với người dùng… Đằng này, một số NH đang duy trì phí quản lý tài khoản cho mọi đối tượng. Người tiêu dùng Việt Nam đến nay vẫn giữ quan điểm: Họ bị mất tiền oan khi phải đóng phí hàng tháng, kể cả không sử dụng dịch vụ.

Thế nhưng chính NH cũng đang có tâm trạng bức xúc. Nghịch lý ở chỗ, NH đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai dịch vụ tiện ích cho NH điện tử để khách hàng sử dụng thì không ai sử dụng, còn mang tiếng "tận thu". Một lãnh đạo Techcombank chia sẻ, NH đầu tư hệ thống iBanking mất hàng trăm tỷ đồng. Mỗi năm, Techcombank đều nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như: NH bán lẻ tốt nhất Việt Nam, NH tiện ích… Song một thực tế là tới nay, mới chỉ có 10% khách hàng sử dụng tiện ích NH online. Rõ ràng, NH mới là người "mất tiền oan" trong cuộc chơi tiện ích này.

Theo vị lãnh đạo trên, các NH không chỉ chi tiền đầu tư công nghệ, máy móc, hệ thống hiện đại mà còn phải đầu tư vào hệ thống an ninh, đào tạo nhân sự để tích hợp các sản phẩm dịch vụ với nhau. Với khoản đầu tư tiền tỷ như vậy, song đổi lại người tiêu dùng sử dụng còn hạn chế. Chẳng hạn, dịch vụ thẻ đã phát triển được sâu rộng trong đại bộ phận công chúng, nhưng các dịch vụ tiện ích mới chỉ phục vụ được cho tầng lớp có thu nhập cao, cán bộ nhân viên có chuyên môn, còn đại đa số người dân (khoảng 70%) chưa sử dụng dịch vụ này.

Cùng quan điểm, lãnh đạo của NH Đông Á cho biết, mạng lưới ATM phân bố rộng khắp, nhưng người dân vẫn có thói quen mang thẻ vào nhờ nhân viên NH rút hộ. Dù tiện ích NH đã phát triển nhiều năm, người nào cũng xài Internet, nhưng phần lớn khách hàng còn rất mơ hồ về dịch vụ thanh toán tự động của NH. Vì vậy, tỷ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận và sử dụng dịch vụ còn ít, thậm chí một số còn hoài nghi về độ tin cậy của dịch vụ.

Một phó tổng giám đốc phụ trách về công nghệ của Vietcombank thừa nhận, đầu tư tiền tỷ để quảng cáo cho các dịch vụ trên iBanking, mBanking, nhưng các NH vẫn chưa xoá hẳn được thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Ví dụ, NH có 4 triệu tài khoản thẻ nhưng chỉ có khoảng 1 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking, chủ yếu là để vấn tin nhanh, còn chuyển khoản, thanh toán, gửi tiết kiệm online chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 10%, tương đương 100.000 người.

Cùng quan điểm, một phó tổng giám đốc VPBank nói rằng, đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng đến nay NH này chỉ xem hoạt động thanh toán điện tử như một dịch vụ gia tăng chứ chưa đặt nặng yếu tố lợi nhuận. Vấn đề quan trọng nhất là NH cố gắng để làm sao cho khách hàng sử dụng được hết các dịch vụ là điều quan trọng nhất.

Người dùng nên tận dụng

Trên thực tế, với khoản phí dịch vụ chưa tới 10.000 đồng/tháng so với những tiện ích mà NH triển khai. Nếu sử dụng hết được dịch vụ thì có khi khách hàng còn khen NH thu phí rẻ. Ví dụ, ở tất cả các NH hiện nay đều có dịch vụ chuyển tiền liên NH, gửi tiết kiệm online, thanh toán hóa đơn… Nếu sử dụng dịch vụ này, người dùng được thanh toán mức phí giao dịch thấp hơn chuyển tiền tại quầy. Quan trọng hơn, người sử dụng không tốn thời gian đi đến NH, thời gian chờ đợi hay phải ra quầy giao dịch làm thủ tục giấy tờ, bất cứ đâu khách hàng cũng có thể thực hiện dịch vụ.

Đối với hình thức tiết kiệm online, vay online, đây là mô hình vô cùng đơn giản và thuận tiện. Đại diện Techcombank cho biết, giao dịch Internet Banking và Mobile Banking thì người gửi tiền còn được hưởng lãi suất cao hơn hình thức gửi tiền truyền thống. "Đơn giản là người gửi tiền qua online thì NH không phải mất chi phí in ấn, nhân sự nên có thể tăng lãi suất cho khách hàng", vị lãnh đạo Techcombank nói.

Còn theo lãnh đạo của Eximbank, người tiêu dùng đang bị hạn chế trong cách nhìn nhận dịch vụ thẻ. Họ chỉ nghĩ rằng với mức phí 10.000 đồng/tháng là quá cao so với việc rút tiền. Nhưng người tiêu dùng không hiểu rằng, thẻ ATM còn có rất nhiều tiện ích. Chẳng hạn, ngoài những tiện ích online sẵn có, chủ thẻ Eximbank luôn được giảm 30 - 50% các dịch vụ mua sắm, ăn uống… khi thanh toán bằng thẻ.

"Với dịch vụ Internet Banking, khách hàng có thể thực hiện rất nhiều giao dịch mà không cần phải đến NH hoặc máy ATM. Điều này mang lại sự tiện lợi và an toàn. Khách hàng có thể chủ động kiểm soát tài chính của mình nhanh chóng mọi lúc mọi nơi, không giới hạn thời gian và khoảng cách địa lý. Ngoài ra, qua Internet Banking, chủ thẻ còn có thể đăng ký các dịch vụ như mở, tất toán tài khoản tiền gửi có kỳ hạn; chuyển lãi từ tiền gửi có kỳ hạn sang tiền gửi không kỳ hạn; gửi tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn khi đến ngày đáo hạn; vay cầm cố tài khoản tiền gửi có kỳ hạn; dịch vụ Mobile Banking; đăng ký dịch vụ thẻ như mở/khóa thẻ, cấp lại PIN, đổi thông tin thẻ, dịch vụ SMS thẻ, dịch vụ thanh toán trực tuyến bằng thẻ nội địa, phát hành thẻ… Chỉ chừng ấy dịch vụ, nếu sử dụng hết khách hàng sẽ không còn phàn nàn về phí", lãnh đạo Eximbank chia sẻ.

Rõ ràng, việc thu phí là không thể tránh khỏi. Và các loại phí dịch vụ NH chủ yếu "nhắm" vào đối tượng nhỏ, lẻ, vãng lai. Theo nhiều chuyên gia, để không còn cảm thấy ấm ức bị "rút túi" thì người tiêu dùng hẳn nên "tận thu" trở lại đối với các dịch vụ mà NH có…