Nợ xấu tăng vì… chính sách phân loại
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu của hệ thống ngân hàng chiếm 4,17% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013.
Chi tiết hơn, chia sẻ với ĐTCK, ông Đào Quốc Tính, Phó chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu của toàn hệ thống là 160,94 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với cuối tháng 5/2014 và tăng 38,2% so với cuối năm 2013.
Những con số trên cho thấy, tỷ lệ nợ xấu vẫn đang tăng trong nỗ lực kiềm chế của NHNN và được lãnh đạo cơ quan này lý giải rằng, số dư và tỷ lệ nợ xấu đã tăng đáng kể do Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức được áp dụng từ 1/6/2014.
"NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD thường xuyên đánh giá lại, phân loại đúng chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ theo chuẩn mực mới về phân loại nợ của NHNN. Các ngân hàng phải trích lập đầy đủ và tích cực sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Phối hợp chặt chẽ với Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) để triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu theo quy định", ông Tính cho biết.
Khuyến nghị của chuyên gia
Tại buổi Tọa đàm Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu do Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức đầu tuần này, các chuyên gia kinh tế nhận định, nợ xấu không còn là vấn đề riêng của ngành ngân hàng, mà gắn liền với bài toán kinh tế vĩ mô, khai thông thị trường, phục hồi tổng cầu của nền kinh tế và khuôn khổ pháp lý điều chỉnh toàn bộ quá trình mua bán nợ, xử lý tài sản.
Do đó, để có những giải pháp đồng bộ nhằm xử lý triệt để vấn đề nợ xấu, TS. Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khuyến nghị, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quá trình xử lý nợ xấu. Cụ thể, Quốc hội cần sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan để minh bạch hóa hoạt động xử lý nợ xấu.
Thứ nhất là thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở theo hướng phát triển thị trường nhà ở, mở rộng đối tượng sở hữu nhà ở và hình thành thị trường nhà ở tương lai; Thứ hai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân sự theo hướng bảo vệ quyền của chủ nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán, phát mại tài sản bảo đảm; Thứ ba, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN theo hướng công khai, minh bạch hoạt động của DN; nghĩa vụ, trách nhiệm của DN đối với các khoản nợ ngân hàng; Thứ tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản.
"Bên cạnh đó, NHNN cần tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 về cơ chế hoạt động của VAMC", TS. Trần Du Lịch nói.
Nghị định 53: sửa điểm nào?
Trước đó, Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2014, Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC nhằm tăng cường năng lực của tổ chức này trong xử lý nợ xấu...
Liên quan đến vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần phải bổ sung năng lực tài chính cho VAMC, bởi một tổ chức mua bán nợ không thể chỉ dựa vào cơ chế, mà trước hết phải có năng lực tài chính khả dĩ để mua nợ. Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ.
"NHNN cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53 và các văn bản hướng dẫn theo hướng tạo sự chủ động, trao quyền hạn phù hợp cho VAMC xử lý nợ, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua; nâng cao minh bạch trong hoạt động mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC", TS. Trần Du Lịch nói.
Để tăng thêm thẩm quyền cho VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC đề xuất: "Cần có hành lang pháp lý để Tòa án chấp thuận nội dung hợp đồng ủy quyền khởi kiện của VAMC cho TCTD, theo đó TCTD được phép thay mặt VAMC ký đơn khởi kiện và thực hiện toàn bộ quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn, đồng thời cho VAMC được phép kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của TCTD trước khi bán nợ cho VAMC".
Để cây nợ xấu không ra thêm ngọn mới
Trong một tương quan khác, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng không thể chỉ trông chờ vào VAMC. Nguyên do bởi bản chất việc VAMC mua lại nợ bằng tiền thực hay tiền ảo thì cũng chỉ giải quyết được về mặt kỹ thuật, chứ thực tế khoản nợ xấu đó vẫn chưa thu hồi được, chưa giúp DN và ngân hàng trong việc cải thiện tình hình tài chính.
"Khi nợ xấu của DN tại ngân hàng được xóa bỏ thì chất lượng tín dụng của ngân hàng được cải thiện, DN đáp ứng yêu cầu về khả năng thanh toán nên ngân hàng có thể cấp thêm tín dụng cho DN để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này lại tiềm ẩn rủi ro của nợ xấu trong tương lai, khi món vay mới của DN không được đánh giá chính xác trên cơ sở tài chính lành mạnh", PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, những giải pháp xử lý nợ xấu hiện nay đa phần mang tính chất giải quyết hiện tượng làm thế nào để mua bán, cắt giảm được tỷ lệ nợ xấu mà không đi vào nguyên nhân là cái gốc quản lý rủi ro. "Hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa có một cơ chế quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế, mọi việc đều 'nửa chừng xuân' nên cũng không ngạc nhiên nếu tỷ lệ nợ xấu luôn luôn tăng. Cần ý chí của toàn hệ thống, Nhà nước và cả xã hội, nếu không 'cây nợ xấu' sẽ lại 'nảy ra ngọn mới', vị chuyên gia trên nói.
Mang lại một chút lạc quan về tiến trình xử lý nợ của từng TCTD, ông Trương Anh Hùng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, phụ trách Khối Dịch vụ Tài chính cho biết: "Theo quan sát của chúng tôi, do nhu cầu nội tại nên một số ngân hàng lớn đã quan tâm nhiều hơn đến việc tăng cường tiêu chuẩn an toàn đi cùng với các phương pháp quản lý tiên tiến hơn trong hoạt động ngân hàng, khẩn trương triển khai các dự án hiện đại hóa trong quản trị rủi ro và quản lý tài chính".
Tuy nhiên, ông Keith Pogson, lãnh đạo Dịch vụ Tài chính Ernst & Young châu Á -Thái Bình Dương cho rằng việc "quan tâm nhiều hơn" vẫn chưa đủ. "Bởi các TCTD và cả hệ thống cần đặc biệt quyết tâm đến cùng để thực hiện minh bạch hoạt động, trong đó có việc áp dụng chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và triển khai hầu hết các khía cạnh của Basel 2…", ông Keith Pogson nói.