Đẩy mạnh xếp hạng để cho vay tín chấp

So với đỉnh cao năm 2010-2011, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm khá nhiều và phù hợp hơn với doanh nghiệp có nhu cầu vốn vay.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn hiện nay khi sức mua của thị trường còn yếu và tồn kho của doanh nghiệp vẫn tăng, theo tôi để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, phía NH cần có chia sẻ thêm thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất.

Đặc biệt là với chương trình tín dụng bình ổn thị trường được các NH trên địa bàn TPHCM trong năm nay dành khoảng 8.300 tỷ đồng lãi suất 5,5-6,7%/năm cho vốn vay ngắn hạn và 9-11%/năm vốn trung, dài hạn. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này quả thực không hề dễ dàng đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn với Adeco, chuyên sản xuất và cung cấp thực phẩm gia súc, gia cầm, mặc dù sản phẩm của công ty đã có đầu ra khi hàng hóa được đưa vào hệ thống siêu thị.

Đồng thời, cổ đông lớn của Adeco là HFIC và Saigon Coop, nhưng để tiếp cận được nguồn vốn bình ổn thị trường và tín chấp là điều hết sức khó khăn. Vì thế, sau một thời gian dài kiến nghị lên UBND TPHCM kể từ đầu năm, nhưng mới đây công ty chỉ nhận được 10 tỷ đồng vốn vay tín chấp từ chương trình vay bình ổn của TP, với lãi suất 6,5-7%/năm ngắn hạn và 11,5%/năm trung hạn. Phần vốn còn lại khoảng 90 tỷ đồng Adeco phải vay từ VietinBank và Agribank chi nhánh Hóc Môn, nhưng phải có thế chấp tài sản.

Trong 8 tháng đầu năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt khi sức mua thị trường còn yếu và những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cung ứng dịch vụ gia cầm phải hứng chịu những đợt dịch trong quý II vừa qua.

Chính vì vậy, các NH cũng nhận thức rằng với vai trò của một tổ chức tài chính cần phải tiếp tục, thậm chí tăng cường hơn nữa các hoạt động đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, bình ổn giá cả và chất lượng hàng hóa cung ứng đến người tiêu dùng thông qua các gói cho vay với lãi suất ưu đãi và chính sách hỗ trợ tối đa nhất.

Tất nhiên, chúng tôi cũng thấu hiểu được rằng, bản thân NH cũng là doanh nghiệp nên điều quan trọng và thiết yếu được các NH đặt lên hàng đầu chính là kiểm soát nợ xấu, thay vì chạy đua tăng trưởng tín dụng. Nhưng để giải quyết được nợ xấu trước hết cũng cần hỗ trợ để sức khỏe của doanh nghiệp tốt hơn, mở rộng sản xuất, kinh doanh và có thể trả nợ vay.

Khách hàng vay vốn tại NH. Ảnh: LONG THANH



Thực tế, trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, hoạt động doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi sức mua và tồn kho chưa cải thiện, tài sản đảm bảo cạn… nên không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay và rất khó có thể kỳ vọng vay được vốn tín chấp. Vì thế, với chủ trương NHNN đưa ra yêu cầu các NH tăng cường xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cho vay tín chấp cần được triển khai mạnh mẽ.

Có như vậy những doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi nhưng thiếu tài sản đảm bảo để thế chấp mới có cơ hội tiếp cận vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh trong mùa cao điểm cuối năm. Bởi hiện nay để vay được vốn tín chấp là một bài toán thực sự khó đối với doanh nghiệp, kể cả khi có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi. Nhưng do vướng phải nợ xấu nên NH rất ngại trong việc cung ứng thêm vốn. Lúc này, khó khăn sẽ chồng chất lên doanh nghiệp và kết quả dẫn đến phá sản thì nợ vay trước đó rất khó trả.