Đầu cơ tỷ giá thua đau

Thêm một lần nữa, giới đầu cơ tỷ giá đã thua đau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá. Đây cũng là bài học cho những ai đầu tư theo phong trào.

Tay to hưởng lợi, cá nhỏ thua đau

Từ đầu tháng 10 đến nay, tỷ giá VND/USD liên tục tăng mạnh, có những ngày tăng tới 30 VND/USD. Cùng với xu hướng tăng giá không ngừng của đồng USD trên thị trường thế giới, việc Thống đốc cho biết dư địa điều chỉnh tỷ giá năm nay là 1,43% (tức từ nay đến cuối năm còn 0,43%) khiến thị trường dấy lên tin đồn và kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá. Giá USD vì thế cũng được đẩy cao, trong khi giao dịch trở nên nhộn nhịp.

đầu cơ tỷ giá
Đầu tư USD ở Việt Nam không có lợi, vì các năm gần đây, NHNN luôn cam kết bình ổn tỷ giá, biên độ biến động rất nhỏ

Tuy nhiên, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tỷ giá tăng mấy ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước tin đồn NHNN điều chỉnh tỷ giá. NHNN khẳng định, sẽ không điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mà giữ ổn định như hiện nay, đồng thời sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá trong trường hợp cần thiết. Sau tuyên bố của Phó thống đốc, tỷ giá tuy vẫn đứng ở mức cao, song đã hạ nhiệt 15-20 VND/USD chỉ trong một buổi chiều.

Có ý kiến cho rằng, tỷ giá tăng mạnh, bên cạnh yếu tố tâm lý còn do cho vay ngoại tệ thời gian qua tăng mạnh, đồng thời các ngân hàng đứng trước áp lực mua ngoại tệ để giảm mức âm trạng thái ngoại tệ. Tuy vậy, NHNN khẳng định, áp lực tăng tỷ giá từ nguyên nhân này không đáng kể. NHNN khẳng định, cung cầu ngoại tệ hiện vẫn ổn định, 9 tháng đầu năm, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 11 tỷ USD. Nhu cầu mua ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân từ tổ chức tín dụng không nhiều, trong tháng 9/2014, hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng từ khách hàng.

Hơn nữa, tiền đồng đã bớt ế ẩm, tín dụng tăng trở lại (9 tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống tăng 7,26%) cũng khiến áp lực mua ngoại tệ của ngân hàng để giảm mức âm trạng thái ngoại tệ giảm.

Vậy ai được lợi trong cơn sốt tỷ giá diễn ra hai tuần qua? Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh ngoại tệ khẳng định: "Có lợi nhất trong việc sốt tỷ giá thời gian qua là ngân hàng và đầu mối kinh doanh ngoại tệ. Bởi cũng như vàng, trong kinh doanh ngoại tệ, doanh nghiệp chỉ có lãi nếu thị trường có sóng. Trước đây, tỷ giá mang lại nguồn lợi không nhỏ cho các ngân hàng, song từ khi NHNN giữ ổn định tỷ giá, lĩnh vực này khá buồn tẻ, vì vậy, thị trường có sóng là cơ hội cho ngân hàng, nhà kinh doanh ngoại tệ".

Cũng theo doanh nghiệp trên, dù tỷ giá có đi xuống nữa, thì các "tay to" kinh doanh ngoại tệ vẫn có lời, bởi trước đó, chênh lệch mua vào - bán ra đã được các doanh nghiệp doãng rộng tới 30-40 VND/USD. Người thiệt thòi nhất trong cơn sốt vừa qua chính là doanh nghiệp nhỏ lẻ lao theo sóng tỷ giá.

Đây là lần thứ 6, giới đầu cơ tỷ giá thạo sóng USD, kể từ năm 2012, khi NHNN áp dụng chế độ ổn định tỷ giá trong biên độ cho phép, cả 6 lần, giới đầu cơ đều thua đau.

Tăng tỷ giá, thiệt nhiều hơn lợi

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, dù đồng USD trên thế giới có xu hướng tăng, song đầu tư USD ở Việt Nam là không có lợi, vì các năm gần đây, NHNN luôn cam kết bình ổn tỷ giá, biên độ biến động rất nhỏ. Hai năm qua, tỷ giá biến động tổng cộng chỉ có 2%, nghĩa là người găm giữ USD, nếu trừ yếu tố lạm phát, hầu như không có lãi, thậm chí còn lỗ.

Trong khi đó, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, nhu cầu tỷ giá trên thị trường không có gì đột biến, các ngân hàng vẫn thừa ngoại tệ để bán cho NHNN. Vì vậy, không có lý do để điều chỉnh tỷ giá.

Thậm chí, theo các chuyên gia tài chính, ngay cả khi tỷ giá tiếp tục bị giới đầu cơ tiếp tục "thổi" thời gian tới, với dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, kiều hối tăng trưởng tốt như hiện nay, NHNN thừa sức dập tan sóng tỷ giá.

Tăng tỷ giá thời điểm này có thể hỗ trợ chút ít cho xuất khẩu, song sẽ làm nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Khi đó, dòng tiền sẽ chảy vào ngoại tệ, làm giảm sức hấp dẫn và giảm niềm tin vào tiền đồng. Hơn nữa, tỷ giá tăng sẽ khiến hàng nhập khẩu nói chung và tất cả hàng hóa tăng lên, tác động đến lạm phát.