Đăng ký tham gia BHXH cho nhân viên, có bắt buộc không? 

Bà Nguyễn Thị Hà (thuyhanguyen.2014@...) là kế toán tại một doanh nghiệp tư nhân. Để thuyết phục chủ doanh nghiệp tham gia, đóng BHXH cho người lao động, bà Hà đề nghị được hướng dẫn, giải đáp về lợi ích của doanh nghiệp, người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc.

Ảnh minh họa

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Hà như sau:

BHXH cùng với các chính sách khác hình thành nên hệ thống chính sách xã hội cơ bản của Nhà nước, nhằm chăm lo đời sống của mọi công dân, trước hết là người lao động, tạo điều kiện và môi trường xã hội thuận lợi để tăng trưởng kinh tế.

BHXH bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

BHXH bắt buộc là loại hình BHXH mà người sử dụng lao động và người lao động theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên phải tham gia.

BHXH được thực hiện theo nguyên tắc có đóng, có hưởng các chế độ BHXH, và bắt buộc thực hiện ở các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, chủ sử dụng lao động và người lao động đều có nghĩa vụ đóng góp theo tỷ lệ được pháp luật về BHXH quy định.

Mức đóng, tỷ lệ đóng BHXH

Căn cứ Điều 91, Điều 92, Điều 102 Luật BHXH; Điều 13 Luật BHYT, mức đóng BHXH hàng tháng đối với người sử dụng lao động và người lao động được tính theo mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động và tỷ lệ đóng theo bảng tổng hợp sau:

Năm Người sử dụng lao động (%) Người lao động (%) Tổng cộng (%)
BHXH BHYT BHTN BHXH BHYT BHTN
1/2007 15 2 5 1 23
1/2009 15 2 1 5 1 1 25
Từ 1/2010 đến 12/2011 16 3 1 6 1,5 1 28,5
Từ 1/2012 đến 12/2013 17 3 1 7 1,5 1 30,5
Từ 1/2014 trở đi 18 3 1 8 1,5 1 32,5

Các chế độ BHXH bắt buộc

Theo Chương III của Luật BHXH, các chế độ đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chế độ ốm đau; Chế độ thai sản; Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chế độ hưu trí; Chế độ tử tuất.

Về vấn đề bà Nguyễn Thị Hà hỏi, để hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia BHXH bắt buộc, bà Hà cần nghiên cứu kỹ các quy định cụ thể tại Luật BHXH.

Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp và người lao động cùng thực hiện tốt nghĩa vụ và quyền lợi về BHXH, thì cuộc sống của người lao động được bảo đảm, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thêm yếu tố thuận lợi để phát triển.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, một số doanh nghiệp chưa làm tốt trách nhiệm tham gia, đóng BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật, làm cho người lao động bị thiệt thòi, không được hưởng các chế độ BHXH. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đã không đóng, hoặc chậm đóng, nợ tiền đóng BHXH, hoặc dùng tiền BHXH chi vào việc khác. Việc chi trả các chế độ BHXH ở một số nơi còn phiền hà và chậm. Đó là một số trong các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH. Hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm này đã được quy định tại Chương 3 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội