Đã qua thời vay USD, đầu cơ Nhân dân tệ

(NDH) Trung Quốc đang có chi phí sản xuất thấp và giá đồng Nhân dân tệ giảm, qua đó gia tăng nguy cơ xuất khẩu giảm phát cho các nước trong khu vực.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa gây bất ngờ thị trường toàn cầu với quyết định điều chỉnh cách điều hành tỷ giá tham chiếu đối với đồng Nhân dân tệ, qua đó khiến đồng tiền này liên tục giảm trong những phiên vừa qua.

Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế Mỹ hồi phục và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất trong năm nay, qua đó đẩy giá đồng USD lên, sự suy giảm của đồng nội tệ Trung Quốc (khoảng 3%) vẫn chưa là gì so với một số đồng tiền khác trên thế giới tính từ đầu năm đến nay. Liệu động thái giảm giá Nhân dân tệ của chính quyền Bắc Kinh có ảnh hưởng đến quyết định nâng lãi suất của FED hay không? Hiện các chuyên gia kinh tế vẫn đang tranh luận về điều này.

Với chính sách kích thích tín dụng đối với các ngân hàng thương mại, lãi suất tiền gửi của Trung Quốc cao hơn so với lãi suất tại Mỹ. Điều này dẫn đến tình trạng vay tiền tại Mỹ rồi đầu tư vào Trung Quốc để hưởng chênh lệch lãi suất. Tình trạng này có thể thực hiện được khi trước ngày 11/8, tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ hầu như cố định với đồng USD. Tuy nhiên, cách đầu cơ này hiện đã khó khăn hơn sau khi PBOC điều chỉnh tỷ giá.

Do rủi ro tăng lên tại thị trường Trung Quốc nên các nhà đầu cơ theo kiểu trên đã rút bớt tiền khỏi nước này, làm gia tăng tình trạng rút vốn. Đây là lý do khiến PBOC trong thông báo ngày 11/8 cho biết sẽ siết chặt cơ chế quản lý giao dịch hối đoái của các ngân hàng thương mại, đồng thời thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá để hạn chế tình trạng trên.

Chi phí sản xuất tại Trung Quốc đã suy giảm những năm gần đây và làm gia tăng những lo ngại về nguy cơ giảm phát. Tuy nhiên, xuất khẩu suy giảm (giảm 8,5% trong tháng 7/2015 so với cùng kỳ năm trước) đã buộc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh bất chấp rủi ro giảm phát. Động thái này khiến các chuyên gia kinh tế lo lắng Trung Quốc sẽ xuất khẩu rủi ro giảm phát của mình sang các quốc gia khác.

Thị trường hàng hóa, vốn gặp nhiều khó khăn thời gian gần đây, đang bị ảnh hưởng mạnh từ việc đồng Nhân dân tệ yếu. Hầu hết các hàng hóa được định giá theo USD, nhưng Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ hàng hóa hàng đầu thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc giá hàng hóa tại thị trường Trung Quốc sẽ giảm mạnh cùng đồng Nhân dân tệ và đương nhiên lợi nhuận của các nước xuất khẩu hàng hóa chính sang quốc gia này sẽ giảm.

Những biến động trên thị trường Trung Quốc có thể làm xói mòn các cố gắng hồi phục kinh tế của Châu Âu khi đây là thị trường tiêu thụ hàng hóa xa xỉ chủ chốt. Đồng Nhân dân tệ giảm giá khiến các mặt hàng xa xỉ như xe hơi, túi hàng hiệu, đồng hồ... trở nên quá đắt đỏ và kém cạnh tranh hơn các đối thủ khác. Ngoài ra, dòng khách du lịch nước ngoài từ Trung Quốc vốn đang tăng trưởng gần đây chắc chắn cũng sẽ bị tác động.

Quyết định hạ tỷ giá tham chiếu đồng tiền trong 3 ngày qua đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu "đỏ lửa," đặc biệt là tại Châu Á.

Hãng tin Reuters dự đoán chính quyền Bắc Kinh có thể để cho đồng nội tệ giảm khoảng 10% trước khi có thay đổi mới. Theo ngân hàng Bank of America, nếu đồng Nhân dân tệ giảm hơn 10%, chỉ số chứng khoán Nhật Bản có thể giảm khoảng 5-10%.

Trong vài ngày qua, hàng loạt đồng tiền của các nước trong khu vực đã chịu ảnh hưởng từ việc giảm giá Nhân dân tệ, qua đó làm gia tăng nguy cơ chiến tranh tiền tệ trên toàn cầu.