Đã có môi trường cho lãi suất thấp

Vấn đề đặt ra hiện nay làm sao để “nuôi dưỡng” mặt bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để duy trì môi trường lý tưởng này, theo TS. Võ Trí Thành thì đó là các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và hệ thống tài chính NH ổn định.

Mặt bằng lãi suất đang lý tưởng

Sau quyết định điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động của NHNN từ 29/10/2014, các TCTD đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên về mức 7%/năm theo khuyến nghị của NHNN. Cũng theo lời "hiệu triệu" của Thống đốc NHNN, các NHTM Nhà nước đã áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên về mức tối đa 10%/năm.

Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5 -11%/năm đối với trung và dài hạn.


Kiểm soát lạm phát thấp là cơ sở hạ lãi suất cho vay

Với mặt bằng lãi suất hiện nay, có thể nói phải sau rất nhiều năm thị trường tiền tệ mới có mức thấp đến như vậy, được các chuyên gia nhận định phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô và chỉ số CPI. Đây là cơ hội để DN tận dụng, vừa duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh vừa gia tăng hiệu quả sử dụng vốn cho nền kinh tế.

Để có mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, theo TS. Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc HDBank, bên cạnh nỗ lực của hệ thống các NH còn có sự ủng hộ từ các yếu tố thuận lợi khách quan khác: Cân đối vĩ mô Việt Nam khả quan, dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán được cải thiện và quan trọng nhất là vị thế đồng VND ngày càng được củng cố, tạo niềm tin cho người dân và nhà đầu tư (NĐT).

Một yếu tố nữa, giá dầu thế giới giảm tạo điều kiện cho mặt bằng giá cả các mặt hàng thiết yếu trong nước cũng giảm xuống, biểu hiện ở tốc độ tăng chỉ số lạm phát kéo theo lãi suất cùng giảm. Cùng với chỉ số vĩ mô khả quan, niềm tin vào đồng VND gia tăng. Và theo nhận định của TS. Lê Thành Trung: Trong ngắn hạn chưa nhìn thấy nguy cơ lãi suất tăng trở lại. Thị trường NH vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp ít nhất hết năm nay.

Dẫu vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, tuy đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của các DN Việt Nam. Lãnh đạo một NHTMCP đặt vấn đề: Nếu NH tiếp tục giảm xuống nữa, thì trước hết phải xem xuống bao nhiêu cho vừa và "vừa" với ai? Vị này cho rằng, đối với các DN đã coi như "bị loại khỏi thị trường" do năng lực sản xuất hoặc chất lượng dịch vụ cạnh tranh kém thì lãi suất bằng 0% cũng vẫn cao. Còn đối với DN bình thường, hiện mức lãi suất rất lý tưởng so với nhiều năm trở lại đây.

Trần tình với phóng viên TBNH, lãnh đạo một NHTMCP khác bày tỏ: Thời gian qua, việc giảm lãi suất tác động mạnh đến doanh thu của NH, đó là chưa nói đến việc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. NH rất muốn giảm thêm lãi suất cho vay và để làm được điều này phải giảm lãi suất huy động. Nhưng thực tế với mức lãi suất tiết kiệm hiện nay, người dân cũng đã suy nghĩ có nên chuyển tiền nhàn rỗi sang kênh đầu tư khác không.

Hơn thế, thị trường chứng khoán bắt đầu có sóng, bất động sản ấm lên… chắc chắn sẽ khiến tâm lý người gửi tiền bị xáo động. Vậy, nếu cứ giảm lãi suất huy động xuống nữa, không loại trừ khả năng các NH sẽ lại đương đầu với bẫy thanh khoản. Thực tế này hoàn toàn có thể xảy ra. "Và khi NH lâm vào khó khăn thì DN cũng không thể dễ thở được", vị lãnh đạo trên nói.

Ai giữ được lãi suất thấp?

TS. Cấn Văn Lực đưa ra nhận định: gần như dư địa tăng, giảm lãi suất huy động của NHNN năm 2015 là hẹp. Khả năng NHNN duy trì mức lãi suất như hiện tại là khá cao. Chính vì thế việc NH tăng hay giảm mức lãi suất cho vay cũng sẽ không đáng kể. Giả sử kinh tế ấm lên, nhưng cần có thời gian để tín dụng lấy lại sức cầu mạnh thì NH không thể tăng ngay lãi suất lên được. Nhưng ông Lực cũng lưu ý, không nên kéo mặt bằng lãi suất cho vay quá thấp bởi khi chi phí vốn rẻ sẽ khuyến khích người vay. Nhưng không khéo, DN ham rẻ vay bừa, tín dụng tăng quá nóng sẽ rất rủi ro.


Vốn tín dụng tập trung cho các chương trình kết nối sản xuất quy mô lớn

"Trước đây, do lãi suất cho vay rất thấp, chỉ 1-2%, đã khuyến khích người dân, DN và cả Chính phủ Mỹ vay quá nhiều tạo ra bong bóng tài sản. Đây là nguyên nhân chính khiến kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính giai đoạn năm 2007 - 2008", TS. Lực cho biết thêm.

Đến thời điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất có giảm được hay không tùy thuộc vào việc các NHTM cắt giảm chi phí hoạt động của mình. Còn lãi suất điều hành của NHNN hiện nay là phù hợp với chỉ số vĩ mô của nền kinh tế trong giai đoạn này. Vấn đề đặt ra hiện nay làm sao để "nuôi dưỡng" mặt bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh. Để duy trì môi trường lý tưởng này, theo TS. Võ Trí Thành thì đó là các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và hệ thống tài chính NH ổn định.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, lạm phát năm nay đã giảm rất mạnh chỉ ở khoảng 4% -5% trong khi lãi suất cho vay vẫn ở mức 8% - 10%/năm. Thực tế, nếu so sánh với lạm phát chúng ta phải tính bình quân ít nhất sau 1 quý để tìm điểm rơi lãi suất mới phù hợp.

Lấy ví dụ các tháng 12, 1, 2 là thời điểm Tết Nguyên đán, chắc chắn lạm phát sẽ cao hơn bình thường. Không lẽ đến lúc đó lãi suất tăng vọt theo? Trong điều hành chính sách tiền tệ, người cầm cương không thể liên tục thay đổi như vậy được. NHNN đưa ra mức lãi suất tính trên cơ sở bình quân của kỳ vọng lạm phát tương lai để đưa ra mức lãi suất phù hợp.

Mặt khác, điều chỉnh lãi suất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính tương quan giữa lãi suất VND với USD. Mà sự biến động tỷ giá cũng như lãi suất của đồng USD còn phụ thuộc vào thị trường quốc tế ở mức nào chứ không chỉ riêng yếu tố lạm phát của Việt Nam.