Có 'sợi dây' nào giữa 3 cựu ông chủ ngân hàng Thắm-Danh-Kiên?

Ba cái tên “nổi như cồn” trong dư luận và làm “nóng ran” các công cụ tìm kiếm trên mạng Internet thời gian qua là “Nguyễn Đức Kiên”, “Phạm Công Danh” và “Hà Văn Thắm”. Vậy 3 cái tên, 3 vụ án riêng rẽ nhau này liệu có liên quan gì với nhay hay không.

tham danh kien

Cùng "có uy danh" trong giới chủ nhà băng

Cả 3 nhân vật này bị cơ quan thực thi pháp luật khởi tố ở 3 thời điểm khác nhau, nhưng lại cũng có chung một số nét tương đồng, trong đó cái chung nổi bật nhất đó là 3 nhân vật này đều là những ông chủ nổi tiếng và cũng từng có chức sắc quan trọng tại 3 ngân hàng.

Cụm từ "Hà Văn Thắm" được dư luận quan tâm tìm kiếm nhất từ thời điểm ngày 24/10/2014, khi cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương với tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự".

Ông Hà Văn Thắm bị bắt đã thực sự bất ngờ lớn cho dư luận, giới truyền thông, cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Trước khi bị bắt, ông Thắm giữ vai trò Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương, đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Chủ tịch Khách sạn và dịch vụ Đại Dương.

Còn cụm từ "Phạm Công Danh" cũng làm dư luận xôn xao quan tâm kể từ ngày 29/7/2014, khi vị nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam, liên quan đến vụ án "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

VNCB - Ngân hàng mà trước khi bị bắt, ông Phạm Công Danh đã giữ chức Chủ tịch HĐQT - tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên, tháng 5/2013, Trust Bank có 23 năm hoạt động với vốn điều lệ 3.000 tỷ, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung phục vụ lĩnh vực xây dựng.

Nhưng có lẽ, cái tên "Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên)" có lẽ là đại gia Việt bị bắt gây rúng động cho dư luận nhiều nhất từ trước tới giờ. Lúc đó, vào chiều tối 20/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi "kinh doanh trái phép".

Sự việc diễn ra khiến dư luận như không thể tin nổi vào việc một người đàn ông quyền lực thuộc hàng nổi danh trong giới tài chính ngân hàng, cũng như trong làng bóng đá Việt Nam lại phải dính vào vòng lao lý…

Như vậy, cả 3 người bị bắt nêu trên đều là người không những nổi tiếng về sự giàu có, mà còn là những người được nhiều người biết đến vì nắm giữ chức sắc quan trọng trong giới nhà băng.

3 ông chủ cùng bị bắt có liên quan gì nhau?

Tới thời điểm này, 3 ông Kiên - Danh - Thắm và 3 ngân hàng - nơi mà 3 người đàn ông quyền lực từng nắm giữ cương vị là ông chủ bị bắt, dường như chưa thấy thông tin nào công bố có liên quan với nhau.

Trong đó, thời điểm ông Kiên bị bắt thì cách khá xa với thời điểm bắt ông Danh và ông Thắm. Còn thời điểm bắt ông Danh và ông Thắm lại chỉ cách nhau gần 3 tháng mà thôi.

Hiện tại vụ việc vi phạm pháp luật dẫn tới bị khởi tố và bắt giảm của ông Danh, ông Thắm đang trong quá trình điều tra, nên chưa có nhiều thông tin về sai phạm của 2 nhân vật này được công bố. Nhưng lật lại trong quan hệ giữa 2 ngân hàng VNBC và OceanBank thì cũng có thấy một vài thông tin qua lại liên quan với nhau.

Mối liên quan giữa 2 ngân hàng này từng được nhắc đến trên báo chí trong và sau sự kiện diễn ra ngày 25/3/2014, khi VNCB phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh công bố gói tín dụng 50.000 tỉ đồng đối với thị trường xây dựng tại chương trình "Hội nghị khách hàng - Tổ chức phát triển thị trường ngành xây dựng chuyên nghiệp".

Lúc đó, báo chí dẫn tin từ ông Phan Thành Mai - Tổng giám đốc của VNBC (cũng đã bị bắt cùng ngày với ông Phạm Công Danh) cho biết: VNCB cùng các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, LienvietPostbank, ACB, VPN, Oceanbank, Sacombank và MB cam kết dành khoản tín dụng 50.000 tỷ đồng cho các nhà kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng và nhà thầu.

Tuy nhiên sau đó, đã có ý kiến của lãnh đạo một số đơn vị nêu tên kể trên lên tiếng bác bỏ có liên quan tới "gói tín dụng 50 ngàn tỷ" nêu trên. Trong đó, trả lời trên một tờ báo sau đó (ngày 27/3/2014), ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ocean Bank khẳng định: "Tôi cũng mới đọc thông tin gói 50.000 tỷ đồng trên báo, chưa có kế hoạch gì về gói tín dụng này. Hiện đơn vị tổ chức đang đàm phán và chưa ký kết gì với chúng tôi"…

Khi khởi tố, bắt tạm giam ông Thắm hôm 24/10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Hà Văn Thắm để điều tra về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tuy không cho biết ông Thắm sai phạm trong vụ việc cho vay đối tượng cụ thể nào, nhưng thông tin đó của cơ quan công an cho thấy, ông Thắm có sai phạm trong hoạt động cho vay ở một số khoản vay nào đó và với những đối tượng nào đó.

Qua thống kê cụm từ tìm kiếm liên quan trên các công cụ tìm kiếm, thì cụm từ "Hà Văn Thắm bị bắt vì tội gì" nhận được khá nhiều lượt tìm kiếm và đã có sẵn luôn cả cụm từ được gợi ý tra cứu tìm kiếm. Câu trả lời cho cụm từ tìm kiếm này hầu hết đang cho ra những thông tin chưa có kết quả nào tin cậy!

Một số thông tin đồn đoán, có thể có mối liên hệ với nhau trong việc bắt giữ 2 đại gia Danh - Thắm!? Song đó cũng chỉ là dạng suy đoán vậy thôi chứ chẳng có căn cứ cụ thể nào.

Nhưng có lẽ trong thời gian tới đây, thông tin về những sai phạm cụ thể của ông Hà Văn Thắm khi được điều tra làm rõ có thể sẽ được công bố. Đến khi đó, những nghi vấn về việc có liên quan gì không giữa các nhân vật bị bắt giữ như ông Kiên, ông Danh và ông Thắm - những nhân vật nổi đình nổi đám trong giới chủ nhà băng - sẽ được sáng tỏ./.