Cơ hội tốt để huy động vốn quốc tế

Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, đợt phát hành 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm đánh dấu sự trở lại thị trường trái phiếu quốc tế kể từ đợt phát hành của Chính phủ từ tháng 1/2010.

Với mức lợi suất 4,8%/năm, Việt Nam đã đạt được mức lợi suất thấp nhất cho một đợt phát hành chuẩn kỳ hạn 10 năm của các quốc gia ở mức dưới chuẩn đầu tư trong khối các thị trường mới nổi trong năm 2014. Đây được xem là thời điểm tốt không chỉ cho Chính phủ mà cả với doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Với vai trò là tổ chức đồng tư vấn phát hành và đồng ghi sổ phát hành cho giao dịch đấu thầu hoán đổi và phát hành mới trong đợt phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ mới đây, ông có thể cho biết về mức độ quan tâm của nhà đầu tư?

Trong những cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu từ năm 2013, chúng tôi nhận thấy, mức độ quan tâm của nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường Việt Nam là rất lớn. Họ cho rằng, với các điều kiện thị trường bình ổn hơn cũng như với sự phục hồi trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, được ghi nhận bởi các lần nâng hạng tín nhiệm quốc tế gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia tốt nhất trên thế giới để tập trung đầu tư.

Thực tế cho thấy, trong giao dịch lần này, chúng tôi đã rất khó khăn trong việc quyết định phân phối trái phiếu cho các nhà đầu tư, trong bối cảnh cầu mua vượt số lượng bán ra rất nhiều lần. Trái phiếu mới được phát hành sau khi hoán đổi nợ chỉ có giá trị 273 triệu USD (727 triệu USD còn lại là để hoán đổi trái phiếu cũ). Khối lượng đặt mua trên 10 tỷ USD, tức hơn 35 lần giá trị trái phiếu mới được phát hành, cho thấy cầu của các nhà đầu tư là rất cao.

Được biết, thành công của đợt phát hành này một phần xuất phát từ phương thức tiếp cận thị trường mang tính chiến lược. Vậy cụ thể phương thức này đã được thực hiện thế nào, thưa ông?

Năm 2013, với mục đích quảng bá và cập nhật tình hình thị trường Việt Nam tới cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, HSBC đã cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Văn phòng Chính Phủ thực hiện hàng trăm cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư trên toàn cầu để trả lời các câu hỏi và băn khoăn của họ về Việt Nam, các vấn đề còn tồn đọng và các giải pháp đề xuất. Các cuộc gặp này đã tạo tiền đề tốt, thể hiện mong muốn của Bộ Tài chính cũng như các cơ quan chủ quản của Việt Nam trong việc tạo lập cầu thông tin trao đổi thẳng thắn và minh bạch với thị trường quốc tế.

Sang năm 2014, với điều kiện lãi suất Kho bạc Mỹ trên thị trường vẫn đang giữ ở mức thấp, các điều kiện thị trường bình ổn hơn, cũng như với sự phục hồi trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu nắm giữ trái phiếu của Chính phủ Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế liên tục đề đạt. Với kế hoạch chủ động quản lý nợ công hiệu quả khi các điều kiện thị trường cho phép, Bộ Tài chính đã chọn đúng thời điểm tiếp tục tiến hành gặp gỡ các nhà đầu tư để công bố những bước phát triển trong việc thực thi những chính sách đã được đề xuất năm 2013, các kết quả tích cực đã đạt được ban đầu, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Và với sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trước và trong các cuộc gặp gỡ, dựa trên kinh nghiệm của mình trong việc tư vấn những giao dịch trước đây cho các quốc gia khác trên toàn cầu, HSBC cũng tư vấn Bộ Tài Chính tiến hành giao dịch với thời gian mở sổ chỉ trong 24 tiếng đồng hồ cho cả đợt phát hành mới và hoán đổi nợ, nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường, tạo đà cho giao dịch được thực hiện thành công.

Mức tham gia đăng ký mua của các nhà đầu tư như thế nào cho đợt hoán đổi này?

Trái phiếu mới kỳ hạn 10 năm thu hút sổ đặt mua kỷ lục hơn 10 tỷ USD từ hơn 450 nhà đầu tư. Xét về địa lý, 55% các nhà đầu tư đến từ Mỹ, 28% từ châu Âu và 17% từ châu Á. Theo loại nhà đầu tư, 84% đến từ các quỹ đầu tư, 12% từ ngân hàng và 4% từ các công ty bảo hiểm hoặc quỹ hưu trí.

Bộ Tài chính đã nhận được các đơn hoán đổi với tổng mệnh giá là 1,1 tỷ USD (tương đương 1,2 tỷ USD giá trị thị trường) thông qua các đơn nộp thầu từ các nhà đầu tư, tức với mức tỷ lệ tham gia trên 61%. Đây là mức tham gia cao nhất từ trước đến giờ trong các giao dịch hoán đổi nợ dưới hình thức tăng tốc trong 1 ngày (với 85% đơn nộp thầu là dành cho mục đích hoán đổi).

Giao dịch hoán đổi trái phiếu tăng tốc trong 1 ngày nhằm giúp các nhà đầu tư hiện hữu đang nắm giữ trái phiếu của Chính phủ Việt Nam (phát hành năm 2005 và năm 2010) hoán đổi sang trái phiếu quốc tế mới. Mục đích nhằm giúp Việt Nam giảm dần chi phí nợ công và tránh được rủi ro nợ đáo hạn tập trung trong ngắn hạn. Cụ thể, mục tiêu hoán đổi là trái phiếu chính phủ trị giá 750 triệu USD đáo hạn vào năm 2016, với lợi suất 6,875%/năm và 1 tỷ USD đáo hạn vào năm 2020 với lợi suất 6,750%/năm.

Giao dịch có cấu trúc ưu việt này đem lại lợi ích gì cho các nhà đầu tư và cho Việt Nam?

Giao dịch đấu thầu được hướng tới các trái chủ hiện hữu để hoán đổi lấy các trái phiếu mới. Các trái chủ nộp đơn xin đấu thầu trái phiếu của họ và hoán đổi hoặc tái đầu tư vào trái phiếu mới được nhận ưu đãi khi trái phiếu mới được phân phối, góp phần thu hút các nhà đầu tư tham gia hoán đổi trái phiếu. Đồng thời, các trái phiếu được đấu thầu thông qua các ngân hàng quản lý giao dịch, không thông qua hệ thống bù trừ, do đó đẩy nhanh được tiến độ và tránh rủi ro thị trường cho Việt Nam. Đây là giao dịch phát hành trái phiếu quốc tế bằng USD đầu tiên từ Chính phủ Việt Nam kể từ năm 2010 và cũng là giao dịch quản lý nợ đầu tiên của Việt Nam nhằm mục đích cơ cấu lại nợ.

Giao dịch sáng tạo này là giao dịch hoán đổi nợ tăng tốc thứ hai tại châu Á (trong vòng 1 ngày với lợi thế tránh ảnh hưởng bởi biến động thị trường) minh chứng cho khả năng phát triển phức hợp của Việt Nam với vai trò là tổ chức phát hành cấp quốc gia. Những đợt đấu thầu hoán đổi nợ gần đây nhất từ các quốc gia khác trên toàn cầu gồm chính phủ Philippines, Mexico, Uruguay, Brazil. Tất cả quốc gia này đều chọn hình thức đấu thầu hoán đổi nợ tăng tốc.

Ông đánh giá thế nào về mức lợi suất 4,8%/năm cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm?

Trái phiếu mới kỳ hạn 10 năm thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trên toàn cầu, với sổ đặt mua kỷ lục trên 10 tỷ USD. Điều này cho phép giao dịch được định giá ở mức 4,8%, tức mức thấp trong khoảng giá công bố cuối cùng ở mức 4,85% +/-5 điểm phần trăm và thấp hơn so với mức giá dự kiến ban đầu (5,125%) là 0,325 điểm phần trăm.

Với mức lợi suất 4,8%, Việt Nam đã đạt được mức lợi suất thấp nhất cho 1 đợt phát hành chuẩn kỳ hạn 10 năm của các quốc gia ở mức dưới chuẩn đầu tư trong khối các thị trường mới nổi trong năm 2014. Đây cũng là mức chi phí vốn thấp nhất trong lịch sử huy động vốn trên thị trường trái phiếu quốc tế của Việt Nam, thiết lập chuẩn lãi suất mới, tạo tiền đề vững chắc cho các đợt phát hành tiếp theo từ các tổ chức phát hành từ Việt Nam. Vì nếu bản thân Chính phủ phát hành giá cao sẽ khó cho các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp khi có nhu cầu phát hành ra quốc tế.

Có nhiều nhận định khá bất ngờ về mức giá phát hành 4,8% vì họ cho rằng, giá của trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm ở mức thấp nhất cũng phải là 5,5%. Mặt khác, do Việt Nam đã vắng bóng trên thị trường trái phiếu quốc tế trong 4 năm vừa qua và những trái phiếu cũ phát hành năm 2005 và 2010 cũng ít được giao dịch trên thị trường thứ cấp, nên việc xác định được một mức giá phù hợp là không đơn giản. Mức giá này cần cân bằng giữa lợi ích của tổ chức phát hành, ở đây là Chính phủ Việt Nam, thể hiện đúng giá trị nội tại của nền kinh tế, và mặt khác vẫn phải đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.

Ông vừa nói việc Chính phủ phát hành thành công ở mức giá 4,8% sẽ là tiền đề cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu phát hành trái phiếu huy động vốn quốc tế thời gian tới. Vậy cụ thể thế nào?

Các doanh nghiệp tiếp tục vay vốn trung, dài hạn của ngân hàng đến một lúc nào đó sẽ khan nguồn cung, vì vốn huy động hiện vẫn chủ yếu là ngắn hạn. Theo tôi, những doanh nghiệp có sức khỏe, tiềm năng tăng trưởng và đang có dự án đầu tư tốt có thể cân nhắc tìm kiếm cơ hội thu hút nguồn vốn ngoại tệ trên thị trường quốc tế.

Như tôi đã nói, lần phát hành này của Chính phủ đã tạo ra một tiền đề rất tốt với lãi suất thuận lợi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng sẽ không chỉ nhìn vào tổng quan nền kinh tế đang có dấu hiệu tốt lên hay không mà còn tìm hiểu kỹ lưỡng về sức khỏe cũng như tiềm năng tăng trưởng của từng doanh nghiệp, bởi chưa hẳn kinh tế tốt lên thì tất cả doanh nghiệp đều tốt lên theo. Đây là điều các doanh nghiệp cần lưu ý chuẩn bị khi tiến hành các cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư.