Cơ hội giải phóng nợ đọng xây dựng cơ bản 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1530/QĐ-TTg về việc ứng trước kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2015.

Theo đó, ngân sách sẽ ứng trước hơn 7.575 tỷ đồng kế hoạch vốn TPCP năm 2015 cho một số dự án của các bộ và địa phương. Theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, quyết định này nhằm tăng đầu tư công, đồng thời xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản lâu nay và sẽ hỗ trợ "đẩy" vốn tín dụng ra.

TS. Cấn Văn Lực

Nhưng, việc tạm ứng vốn này tác động thế nào lên ngân sách, thưa ông?

Tất nhiên sẽ gây áp lực thâm hụt ngân sách cho năm tới. Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc chỉ tiêu này. Hiện nay thâm hụt ngân sách nước ta ở mức 5,3% GDP.

So với các nước đang phát triển, như Việt Nam, là hơi cao vì bình quân các nước mới nổi thâm hụt ngân sách 2,5 - 3% GDP. Ở Việt Nam nên để chỉ tiêu này ở mức dưới 4%. Nhưng, đấy là chỉ tiêu cho giai đoạn đất nước tăng trưởng bình thường. Còn hiện tại, Việt Nam đang phải đẩy vốn đầu tư công ra để hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề quan trọng như ưu tiên dự án hạ tầng trọng điểm, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản…

Qua đó tăng niềm tin cho nhà đầu tư về môi trường kinh doanh Việt Nam và nó còn có tác động đến việc thúc đẩy tín dụng tăng trưởng. Bởi lẽ, nhiều DN liên quan, nhất là trong lĩnh vực xây dựng như xi măng, sắt thép…, sẽ tiêu thụ được hàng hóa, giảm hàng tồn kho mới mạnh dạn vay vốn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo ông, những dự án nào cần ưu tiên ứng vốn?

Tôi cho rằng những dự án trọng điểm quốc gia liên quan đến cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường sá… có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đường quốc lộ 1 hiện đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian. Nên đây là những dự án cần ưu tiên vốn trước. Ngoài ra, các dự án cảng biển liên quan đến kinh tế biển, an ninh hàng hải và một số dự án tạo cú hích cho công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu đã xác định giữ vị trí then chốt, hoặc đã phát triển tốt đang cần được rót vốn vào.

Ông có cho rằng cần xét lại tiêu chí "chọn" dự án đầu tư công?

Theo tôi, Chính phủ cũng phải mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra tiêu chí đánh giá dự án đầu tư công. Ví như, hiện chúng ta chưa có tiêu chí cụ thể thế nào là dự án hiệu quả để có căn cứ xem xét thẩm định và phê duyệt; thứ hai cũng nên có cơ quan độc lập thẩm định dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, chúng ta phải có chiến lược quản lý ngân sách, một mặt vẫn phát triển cơ sở hạ tầng mặt khác không để thâm hụt quá nhiều. Ngoài ra, cũng nên đẩy mạnh phát triển mô hình hợp tác công - tư.

Như vậy, Chính phủ sẽ phải tăng phát hành trái phiếu nhưng đối tượng mua TPCP chủ yếu vẫn là các NHTM. Điều này ảnh hưởng thế nào đến dòng vốn tín dụng NH?

Để đưa ra nhận định trên cần phải phân tích ở nhiều góc độ. Có thể NH mua TPCP nhiều hơn trước đây, nhưng hiện tại nguồn vốn nhàn rỗi tương đối nhiều nên họ phải tìm kênh đầu tư. Trong bối cảnh tín dụng chưa đẩy mạnh ra được thì việc NH mua TPCP là bình thường. Tiền mua TPCP của NH vào Kho bạc, nếu các dự án do Chính phủ đầu tư được Kho bạc giải ngân thông suốt thì dòng tiền chảy ra nền kinh tế chứ không phải chảy ngược trở lại như mọi người lo lắng. Hiện vẫn còn ách tắc một số khâu liên quan đến thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… dẫn đến chậm trễ trong việc giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Do đó, cần phải tháo gỡ những vướng mắc trên để khơi thông dòng chảy vốn cho các dự án đầu tư công.

Xin cảm ơn ông!