Chuyển mình tìm lối thoát

Tăng trưởng tín dụng thấp, biên lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu cao và cạnh tranh trong lĩnh vực NH ngày càng trở nên khốc liệt.

Nhiều NH phải tìm lối đi cho riêng mình bằng cách đầu tư mạnh để phát triển dịch vụ NH bán lẻ để tồn tại và phát triển. Vì lẽ đó mà sự cạnh tranh trong phân khúc này cũng trở nên gay gắt.

Mở rộng dịch vụ bán lẻ

Trong lúc đang bù đầu vào công việc, anh Toàn (nhân viên văn phòng ở TPHCM) nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại cố định. Phía đầu giây bên kia một giọng nữ nhẹ nhàng tự giới thiệu mình là nhân viên của NH A… hỏi xem anh có nhu cầu vay tiêu dùng không? Tuy rất bận rộn và chưa có nhu cầu vay thực sự nhưng anh vẫn không thể ngắt cuộc điện thoại giữa chừng. Anh Toàn cho biết mình vẫn hay nhận các cuộc điện thoại từ các NH gọi đến tiếp thị cho vay tiêu dùng, làm thẻ tín dụng…

Trước đây phần lớn các cuộc gọi chỉ từ các NH nước ngoài như ANZ, City Bank, HSBC… nhưng nay tần suất nhận được có phần dày hơn và có cả những NH trong nước. Dù đôi lúc thấy khó chịu nhưng anh Toàn vẫn hiểu đó là một hoạt động bình thường và nhiều khi cũng là thông tin có giá trị. Bởi cũng nhờ dịch vụ tiếp thị trực tiếp và sự "nhiệt tình" này các NH mà một người bạn của anh vay được 150 triệu đồng mở một quán cà phê nhỏ. Một số người bạn khác cũng sử dụng thẻ tín dụng trong dịch vụ này nhằm tiện lợi hơn trong việc mua sắm hay giải quyết vấn đề tài chính.

Phát triển mạng lưới và kênh phân phối hiệu quả cũng là yếu tố sống còn, bởi về mặt xã hội dịch vụ NH bán lẻ sẽ giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn, nhanh hơn, nhằm giảm quy mô tín dụng "chợ đen" và hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

Những năm trước đây, tăng trưởng tín dụng mỗi năm 30-40%, thì phần lớn các NH tập trung vào những khách hàng lớn, chỉ có một vài NH có tính chính sách như Agribank mới đẩy mạnh việc cho vay những gói tín dụng nhỏ ở nông thôn. Do vậy việc tiếp cận vốn của cá nhân hay của doanh nghiệp nhỏ thường rất khó khăn. Các NHTM trong nước cũng chưa chú trọng việc cho vay tiêu dùng hay doanh nghiệp nhỏ.

Nguyên nhân khách quan là trình độ quản lý các NH còn yếu, hệ thống công nghệ chưa cho phép. Hơn nữa, vào thời điểm đó việc tăng trưởng tín dụng hàng năm quá cao nên họ không đủ nguồn lực để triển khai mạnh dịch vụ bán lẻ. Hiện nay, bối cảnh kinh tế và thị trường tài chính đã hoàn toàn khác. Sau năm 2010 tăng trưởng tín dụng đã chậm lại và nợ xấu đối với lĩnh vực sản xuất, bất động sản ngày càng cao. Bên cạnh đó, các NH cũng đang hoàn thiện dần hệ thống công nghệ thông tin và trình độ quản lý, nên họ có điều kiện hơn trong việc phát triển mảng dịch vụ bán lẻ đầy tiềm năng ở Việt Nam.

Giám đốc một NH cổ phần cho biết NH của ông đã dự báo được những xu thế tất yếu của hệ thống NH Việt Nam. Vì vậy những năm vừa qua NH đã đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, mời chuyên gia giỏi trong lĩnh vực để tham vấn và đẩy mạnh việc phát triển dịch vụ NH bán lẻ. Vị giám đốc này cho biết hiện nay NH của ông đã đạt được những thành công bước đầu và chỉ riêng tín dụng đối với khách hàng cá nhân đã chiếm khoảng 40% dư nợ tín dụng.

Vào cuộc cạnh tranh khốc liệt

Trên thực tế hiện nay, nhiều NHTMCP xác định hướng trở thành NH bán lẻ hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình như Sacombank, Techcombank, ACB, SHB... Đó là lý do SHB có chủ trương sáp nhập với một công ty tài chính để tận dụng đội ngũ chuyên viên tài chính và thế mạnh ở đối tác sáp nhập. Ngay cả những NH có nguồn gốc nhà nước vốn quen với việc "bán buôn" như Vietcombank, BIDV cũng chuyển mình xem bán lẻ là mảng quan trọng không kém trong chiến lược phát triển dài hạn. Thậm chí mới đây Vietcombank còn được Asian Banker bình chọn là "NH bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2014".

Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia trong lĩnh vực NH cho biết phân khúc NH bán lẻ có khá nhiều ưu điểm như biên lợi nhuận cho vay cao (cho vay với lãi suất cao), ít rủi ro. Ngoài ra, việc phát triển dịch vụ bán lẻ có thể gia tăng dịch vụ phi NH, mở rộng lan tỏa mạng lưới khách hàng. Tại Việt Nam dư địa cho tăng trưởng tín dụng đối với dịch vụ "bán buôn" như cho doanh nghiệp lớn, dự án lớn vay hiện nay không nhiều, trong khi đó lĩnh vực dịch vụ NH bán lẻ đang rất tiềm năng. Dù vậy, chuyên gia này cũng cảnh báo đây là lĩnh vực đang có sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là có sự tham gia của những NH ngoại và các tổ chức tài chính phi tín dụng.

Như vậy, một khi các NH đều chung ý chí đẩy mạnh dịch vụ NH bán lẻ thì cuộc đua cũng thực sự bắt đầu. Đó là lý do tại sao nhiều NH sẵn sàng chi mạnh để đầu tư từ công nghệ cho đến trình độ quản lý. Dễ dàng nhìn thấy lãnh đạo của phân khúc NH bán lẻ ở nhiều NH là các chuyên gia nước ngoài đảm nhận. Đồng thời, việc tuyển dụng nhân sự của NH hiện tại đã thay đổi tích cực để phù hợp với xu thế.

Nếu như vài năm trước, nhiều NH buộc phải sa thải hàng loạt nhân sự, cắt giảm lương, thì nay họ đã lên kế hoạch tuyển dụng hàng ngàn nhân sự hùng hậu để phục vụ mảng bán lẻ như nhân viên telesale (nhân viên bán hàng qua điện thoại), nhân viên hỗ trợ các dự án thẻ. Nhiều nhà băng còn vạch hẳn chiến lược đưa đội ngũ nhân viên, cộng tác viên đến tận các sân bay, nhà ga, trung tâm thương mại để tiếp cận khách hàng.

Cán bộ tín dụng NH tư vấn cho khách hàng vay vốn.



Rõ ràng, trong bối cảnh tín dụng hệ thống NH đang bế tắc và dòng tiền huy động gây áp lực lên lợi nhuận buộc các NH phải chuyển mình tìm lối thoát. Dịch vụ bán lẻ đang là một trong những đích ngắm của nhiều NH bởi dư địa còn lớn. Mặc dù chỉ mới ở giai đoạn đầu, nhưng lĩnh vực này cũng đã thể hiện sự cạnh tranh rất khốc liệt. Điểm cốt yếu để giúp các NH thành công trong dịch vụ này chính là chất lượng phục vụ tạo ra thương hiệu có uy tín. Bên cạnh đó phải có hệ thống công nghệ hiện đại để giúp việc quản lý một cách dễ dàng với chi phí thấp nhất.