“Chưa bao giờ DN lại thờ ơ với vốn tín dụng như hiện nay

“Chưa bao giờ DN lại thờ ơ với vốn tín dụng như hiện nay"

Nhiều DN cho rằng, lãi suất cho vay hiện nay tuy đã giảm, nhưng với DN thì vẫn còn cao do tình hình kinh tế khó khăn.

Tuần đầu tháng 10, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở hầu hết các kỳ hạn. Có ý kiến cho rằng, động thái này sẽ là đà nối tiếp cho lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chỉ khi giải quyết giảm nợ xấu, giảm lãi suất tái chiết khấu cho các ngân hàng thương mại (NHTM) thì lãi suất cho vay mới có thể tiếp tục giảm.

Thờ ơ vì lãi suất còn cao

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, 9 tháng đầu năm, huy động vốn tại TP tăng 4,7% và tăng trưởng tín dụng đạt 6,05% so với đầu năm.

Trong đó, có đến 80% tổng dư nợ đi vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (tăng 3,6% so với cùng kỳ) với lãi suất cho vay tối đa 8%/năm chiếm 30% tổng dư nợ; lãi suất trên 8% - 12%/năm chiếm 50% và lãi suất trên 12% chiếm 20% tổng dư nợ (chủ yếu là cho vay lĩnh vực tiêu dùng và chứng khoán). Như vậy, lãi suất cho vay đã giảm nhiều so với trước. Thế nhưng, theo các ngân hàng (NH) phản ảnh, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) vẫn thấp.

Thực tế cho thấy, động thái giảm lãi suất huy động trong đầu tháng 10 mới đây đã thể hiện sự dư thừa vốn của NH. Nhiều ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay cả hạn mức tín dụng cấp cho DN cũng đang dư thừa vì các DN không có nhu cầu vay, mặc dù các ngân hàng ra sức tiếp cận. Theo đó, không phải DN cần NH mà ngược lại, hiện NH cần DN nhiều hơn.

"Chưa bao giờ DN lại thờ ơ với vốn tín dụng như hiện nay. Bởi với hàng ngàn phiếu thăm dò nhu cầu vốn vay được phát ra cho DN, hiệp hội chỉ nhận lại được vài chục phiếu có nhu cầu vay", ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, đã phải thốt lên như thế tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh ngày 13/10 vừa qua.
Thừa nhận tình trạng này, Tổng Giám đốc VietCapital Bank Đỗ Duy Hưng cũng cho biết, từ đầu 2014 đến nay, dư nợ của ngân hàng đạt khoảng 11.400 tỷ đồng nhưng tỷ lệ cho vay DN chỉ chiếm dưới 20%.

Lý giải về sự thờ ơ vốn của DN, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho rằng do khó khăn chung về thị trường và sức mua sụt giảm nên các DN cũng ngần ngại vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, một số DN nhỏ hiện đã tự túc được vốn nên không có nhu cầu vay, hoặc một số DN biết không thể tiếp cận được vốn tín dụng vì điều kiện tài sản thế chấp nên cũng không mặn mà.

Ngoài ra, nhiều DN khác cũng cho rằng, lãi suất cho vay hiện nay tuy đã giảm, nhưng với DN thì vẫn còn cao do tình hình kinh tế khó khăn. Bởi lãi suất thấp chỉ thực hiện trong thời gian ngắn hạn, riêng trung và dài hạn vẫn trên 10%. Trong khi đó, không DN nào có thể quay vòng vốn nhanh trong ngắn hạn để trả NH. Vì thế, trong thời gian tới, nếu lãi suất trung và dài hạn giảm thì DN mới mạnh dạn đi vay.

Kết nối để giảm lãi suất, tăng vay

Trước tình hình tăng trưởng tín dụng thấp, UBND TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh chương trình kết nối NH - DN nhằm thúc đẩy cho vay. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, chương trình này không chỉ có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN duy trì, phục hồi tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế thành phố trong thời gian qua mà còn giúp DN vay vốn với lãi suất thấp.

"Các DN thường kêu khó tiếp cận gói vay thương mại. Tuy nhiên, thông qua chương trình kết nối NH - DN thì DN có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận vốn vay", ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh thừa nhận. Với hơn 15.500 tỷ đồng được ngân hàng VietinBank cam kết cho 115 DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vay vào ngày 18/10 vừa qua đã cho thấy, nhu cầu vay vốn của DN vẫn có. Vì thông qua kết nối, DN được hưởng lãi suất thấp nhất 7%/năm với vay ngắn hạn và trung, dài hạn không quá 11%/năm. Đáng chú ý, có 74/115 DN vay vốn mới với tổng số vốn 10.921 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, với việc tăng mức trích lập quỹ dự phòng rủi ro khi bán nợ xấu cho VAMC thì nợ xấu có nguy cơ tăng cao. Do đó, việc bất chấp rủi ro để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là không nên.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng từ nay đến cuối năm hứa hẹn có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu như: Các NH đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để bán cho VAMC. Ngoài ra, Thông tư 16 của liên bộ Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường và NHNN sẽ giúp đẩy nhanh việc xử lý tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, trích lập và xử lý quỹ dự phòng rủi ro cao nên nợ xấu sẽ được xử lý tốt hơn. Nợ xấu được xử lý tốt thì các NHTM mới nghĩ đến chuyện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Ông Trần Du Lịch cũng cho rằng, với tình hình NH hiện nay cũng đã sáng sủa hơn, nhưng để giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thì ngoài những nỗ lực của các NHTM, NHNN cũng cần phải dùng công cụ của mình để giảm lãi suất tái chiết khấu cho các NHTM. Từ đó, có thể giảm chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra từ mức phổ biến khoảng 3,5 - 4% hiện nay xuống còn 2,5 - 3% trong bối cảnh lạm phát giảm như hiện nay.

Kế hoạch của ngành NH thành phố đề ra cho chương trình kết nối NH - DN năm 2014 là giải ngân khoảng 20.000 tỷ đồng. Đến nay, các NH trên địa bàn đã thực hiện vượt kế hoạch cả năm.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh