Chính sách tiền tệ cán đích sớm?

Chính sách tiền tệ cán đích sớm?

Thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã gỡ bỏ những nghi ngại ban đầu về các mục tiêu của ngành ngân hàng năm 2014.

Những nghi ngại ban đầu

Nhìn lại cuối tháng 12/2013, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, NHNN đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp lớn trong năm 2014, cụ thể: phấn đấu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%, tín dụng tăng khoảng 12 - 14%; điều hành chủ động, linh hoạt các mức lãi suất của NHNN để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến tỷ giá và thị trường tiền tệ, ngoại hối nhằm điều hành tỷ giá phù hợp, tiếp tục khắc phục tình trạng "đô la hóa", "vàng hóa" trong nền kinh tế, khuyến khích nắm giữ VND, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước.

Thực hiện các giải pháp về lãi suất, tín dụng nhằm hỗ trợ DN vay vốn, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các dự án hiệu quả và sử dụng nhiều lao động; tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015, triển khai Đề án xử lý nợ xấu nhằm đảm bảo an toàn và phát triển bền vững hệ thống các TCTD; tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động ngân hàng…

Chia sẻ với ĐTCK tại Hội nghị thời điểm đó, tâm trạng chung của nhiều lãnh đạo ngân hàng là quan ngại việc liệu NHNN cũng như toàn hệ thống ngân hàng có thực hiện được kế hoạch đặt ra? Đặc biệt là đối với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, khi mà đến cuối năm 2013, ì ạch mãi mới cán được đích; việc xử lý nợ xấu làm sao có thể tiến hành nhanh chóng trong bối cảnh nền kinh tế chưa có sự khởi sắc... Tuy nhiên, mọi nghi ngại giờ đây đã được gỡ bỏ.

Tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành kế hoạch

NHNN vừa công bố, tính đến ngày 30/9/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 7,26% so với cuối năm 2013.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được dự báo GDP năm 2014 tăng 5,4%. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, để GDP tăng trưởng 5,4%, tăng trưởng tín dụng cần gấp đôi, nghĩa là vào khoảng 10 - 11%.

"Như vậy, 3 tháng còn lại của năm 2014, chia đều mỗi tháng 1% tăng trưởng tín dụng là điều không khó khăn, đặc biệt đây là giai đoạn kinh doanh cao điểm nhất trong năm, nhu cầu vay vốn của DN tăng cao", tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định.

Thực tế, các ngân hàng đang triển khai các hoạt động để đón đầu giai đoạn này. Chẳng hạn, NCB vừa triển khai chương trình dành 2.000 tỷ đồng kéo dài đến hết tháng 12/2014 cho DN xuất nhập khẩu vay vốn bằng USD với lãi suất ưu đãi 3,5 - 4%/năm, tối đa lên tới 6 tháng. Tại SCB là gói ưu đãi cho vay trung, dài hạn trị giá 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng tổ chức, áp dụng từ nay đến 31/12/2014, với lãi suất từ 4,49%/năm đối với USD và 6,49%/năm đối với VND. Đặc biệt, lãi suất cho vay trả góp cố định trong suốt thời gian vay vốn chỉ từ 3,49%/năm đối với USD và 7,49%/năm đối với VND.

"Chúng tôi thấy khả năng đạt được mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch, nằm trong khoảng 12 - 14% là hoàn toàn có thể", Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói.

Xử lý một bước căn cơ nợ xấu

Báo cáo của NHNN cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD. Triển khai các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng. Công ty Quản lý tài sản của các TCTD tiến hành đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu đã mua...

Thống đốc NHNN chia sẻ: "Trong 3 năm qua, chúng ta đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Tháng 9/2012, thời điểm xây dựng Đề án xử lý nợ xấu, con số tuyệt đối về nợ xấu là 464.000 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta đã xử lý được 53,6% con số nợ xấu đã phát sinh tại tháng 9/2012. Chúng tôi hy vọng rằng, đến cuối năm nay, con số nợ xấu của các TCTD sẽ được xử lý một bước căn cơ".

Thống đốc cho hay, đến tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu theo các TCTD báo cáo là 4,11%, cao hơn so với mức khoảng 3,9% của cuối năm 2013, nhưng tại thời điểm đó, theo giám sát của NHNN thì nợ xấu xấp xỉ 8%. Trong tổng số nợ cơ cấu lại hơn 300.000 tỷ đồng, có khoảng 157.000 tỷ đồng, theo đánh giá của NHNN, nếu không tiến hành cơ cấu lại nợ thì 157.000 tỷ đồng đó đã trở thành nợ xấu.

"Để đánh giá thực chất hơn nợ xấu trong hệ thống cũng như những tiềm ẩn của nó để chủ động có biện pháp xử lý, NHNN cộng thêm số nợ mà các TCTD đã tiến hành phân loại nợ xấu với con số 157.000 tỷ đồng, nên tỷ lệ nợ xấu mới tăng lên mức xấp xỉ 8%. Chúng tôi thấy, với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay và quyết tâm của các TCTD, thì nợ xấu của toàn hệ thống theo báo cáo của các TCTD, tức là phần đã cơ cấu lại nợ, sẽ ở mức trên 3%. Còn nợ xấu theo giám sát của NHNN sẽ đưa về xung quanh mức 6% vào cuối năm nay", Thống đốc nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định: "Thực tế cho thấy, tiến trình xử lý nợ xấu có những chậm chạp nhất định, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan. Dẫu sao, các chỉ tiêu cơ bản năm 2014 đã được NHNN hoàn thành sớm, vấn đề bây giờ là nhìn xa hơn, năm 2015, NHNN sẽ làm gì cho chiến lược 2011 - 2015: cơ cấu lại hệ thống NHTM, các tổ chức tài chính; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường vàng và ngoại tệ, khắc phục tình trạng đô la hóa… và dài hơi hơn là tầm nhìn tới năm 2020".