Chính sách điều hành tỷ giá: Neo hay nới rộng?

Chính sách điều hành tỷ giá: Neo hay nới rộng?

Trong khi NHNN kiên định với mục tiêu và kiên quyết neo tỷ giá ở mức 2% thì rất nhiều chuyên gia, DN lo ngại sẽ có nhiều biến động xảy ra và DN là đối tượng chịu nhiều tác động nhất từ chính sách này…

DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia xung quanh vấn đề này.


- Ông nhìn nhận thế nào về chính sách neo tỷ giá của NHNN? Có nhất thiết phải neo tỷ giá ở mức 2% như hiện nay?

Tại tham luận Diễn đàn kinh tế mùa Xuân tôi cũng đã trình bày, NHNN vẫn kiên định với mục tiêu duy trì giá trị và gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ, giảm dần trình trạng đô la hóa diễn ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chính sách tỷ giá theo đó cần được ưu tiên duy trì ổn định trong giai đoạn trước mắt.

Còn trong trung và dài hạn, cần được xem xét, cân nhắc tổng thể các yếu tố của nền kinh tế trên cơ sở theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước để chủ động và xử lý linh hoạt khi cần thiết. Do vậy, không nên cứng nhắc và neo tỷ giá ở mức cố định sẽ xảy ra nhiều vấn đề và tác động trực tiếp đến đời sống hoạt động của DN.

- Thưa ông, mặc dù tỷ giá được điều chỉnh thêm 1% vào đầu năm và NHNN cam kết không điều chỉnh quá 2% trong năm nhưng tỉ giá dường như vẫn chịu nhiều áp lực. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tỷ giá chịu áp lực từ 3 vấn đề sau: Thứ nhất, đồng USD đang tăng giá nhiều so với các ngoại tệ khác; Thứ hai, lãi suất USD được kỳ vọng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cho tăng sớm vào tháng 6/2015 làm cho Chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất 12 năm. (Dollar Index là chỉ số đo lường giá trị đồng USD với một giỏ 6 đồng tiền chủ chốt gồm euro châu Âu (EUR), yen Nhật (JPY), bảng Anh (GBP), đô la Canada (CAD), krona Thụy Điển (SEK) và franc Thụy Sĩ (CHF). Tỷ trọng các đồng tiền trong giỏ lần lượt là EUR (57.6%), JPY (13,6%), GBP(11,9%), CAD (9,1%), SEK (4,2%), CHF (3,6%). Dollar index bắt đầu từ tháng 3/1973 từ giá trị 100).

Thứ ba, dư địa điều chỉnh tỷ giá không còn nhiều sau khi tỷ giá đã được điều chỉnh 1% vào đầu tháng 1/2015.

Trước biến động đó, NHNN đã có thông tin định hướng, trong đó cũng đề cập đến việc sẽ bám sát những động thái của FED để DN có ứng xử linh hoạt và phù hợp.

- Thưa TS, nếu FED tăng lãi suất vào tháng 6 tới, đồng USD có thể sẽ tiếp tục lên giá trên thị trường thế giới và xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng?

Trước tiên phải khẳng định sự lên giá của đồng USD trên thế giới ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu của Việt Nam.

Từ cảnh báo FED có thể thấy tỷ giá tăng sẽ tác động tới dòng vốn đầu tư nước ngoài. Lãi suất USD lên, trong khi lãi suất tại các thị trường mới nổi mà cụ thể là VN đã giảm xuống thấp, sẽ kích thích vốn ngoại đảo chiều. Do vậy, các cơ quan Nhà nước và DN luôn theo dõi tình huống FED để sớm có những động thái và quyết sách kịp thời.

Xét thấy trong bối cảnh này, nếu VN không điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa VN trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các yếu tố trên thị trường gần đây chưa đủ sức để biện minh cho việc phải phá giá tiền đồng lúc này. Theo tôi, hiện chưa phải là thời điểm để phá giá tiền đồng, nhưng cũng nên giám sát thị trường một cách chặt chẽ.

- Theo ông, với tình thế này VN nên tiếp tục "neo" hay linh hoạt nới rộng thêm biên độ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu?

Trong bối cảnh thị trường và bức tranh kinh tế hiện nay, thì việc tỷ giá có tăng thêm 1% cũng chưa phải là điều đáng ngại.

Sau khi đã điều chỉnh tỷ giá thêm 1% đầu năm 2015, NHNN vẫn kiên định mục tiêu giữ ổn định trong khoảng biến động 2% đã đề ra. Như vậy, điều này cho thấy nguồn lực dự trữ ngoại hối của VN còn khá cao, dự báo còn khoảng 36 tỷ USD, có lẽ đây chính là cơ sở để nhà điều hành kiên định với mục tiêu đã đề ra.

Theo cam kết của NHNN trong điều hành và kiểm soát tỷ giá năm 2015 thì hiện vẫn còn room biên độ tỷ giá, nên vẫn có thể để điều chỉnh khi cần thiết. Nhưng hiện nay cung - cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu mất cân đối.

Thực tế cho thấy, sức khỏe đồng USD mạnh lên sẽ tác động lên các đồng tiền khác và nhất là VND. Vì thế, dù hiện tại chưa phải là thời điểm để điều chỉnh, nhưng nếu "neo" tỷ giá cứng nhắc sẽ ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu. Do vậy, việc kiểm soát tỷ giá cần có sự linh hoạt trong biên độ cho phép.

Một khi tỷ giá tăng thì các nhà nhập khẩu và cả những nhà xuất khẩu có nhập khẩu nguyên liệu phải trả giá cao hơn. Khi tỷ giá tăng thì các mặt hàng nhập khẩu ở trong nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô và lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường và bức tranh kinh tế hiện nay, thì việc tỷ giá có tăng thêm 1% cũng chưa phải là điều đáng ngại.

- Xin cảm ơn Ông.

Phải tính trên bình diện nền kinh tế


Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN:

Sau khi Fed công bố thông tin cuộc họp 18/3, diễn biến đồng USD đã thay đổi xu hướng và tăng giá mạnh chủ yếu so với đồng ngoại tệ mạnh như Euro, bảng Anh, đô la Úc, Yên Nhật, Nhân dân tệ, Baht Thái Lan… Đây là diễn biến hàng ngày, hàng giờ nên NHNN luôn theo sát để có những quyết định phù hợp.

Tuy nhiên, so với VND, hiện nay tỷ giá đã giảm mạnh còn 21.582 đồng, so với mức trần còn thấp hơn khoảng gần 200 đồng. Như vậy, diễn biến vẫn đang trong biên độ kiểm soát của NHNN. VN vẫn có thặng dư cán cân thanh toán là 5 tỷ USD, do đó NHNN có thể ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra. Khi quyết định điều chỉnh ở mức độ nào, NHNN phải tính trên bình diện nền kinh tế, không chỉ nhìn nhận từ nhóm ngành hay DN xuất hay nhập khẩu.

Hiện có tới 90% hàng hóa nhập khẩu là nguyên vật liệu nên tăng tỷ giá sẽ gây tác động mạnh. Bên cạnh đó, lạm phát đang ở mức thấp nhưng có thể tăng trở lại, nợ công cũng đang sát với ngưỡng cho phép.

Cân nhắc lợi ích


Ông Lê Đình Ân - Nguyên Giám đốc TT dự báo kinh tế xã hội quốc gia, thuộc Bộ KH&ĐT:

Hướng tăng giá USD sẽ còn tiếp tục, và việc giảm giá mạnh của các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ, theo tôi sẽ chưa dừng lại. Điều này, làm cho tiền đồng tăng giá tương ứng và làm giảm tính cạnh tranh hàng hóa của VN khi xuất khẩu qua các quốc gia khác. Các nhà đầu tư nước ngoài, các DN sẽ có xu hướng nắm giữ USD nhiều hơn, nhất là khi lãi suất tiền gửi USD vẫn giữ ở mức khá thấp hiện nay.

Do vậy, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc lợi ích dài hạn của nền kinh tế để ra quyết định sớm có hay không nên điều chỉnh tăng tỷ giá theo cung - cầu của thị trường.

Trong giai đoạn ngắn hạn trước mắt, VN cần có cơ chế kiểm soát vốn hiệu quả để có thể ổn định được tỷ giá ở mức độ nhất định cùng với gia tăng dự trữ ngoại hối đủ lớn và nâng cao hiệu quả các biện pháp trung hòa để chống lại các cú sốc, cải thiện được tính độc lập của chính sách tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đối diện nhiều rủi ro bất ổn khó lường trong những năm sắp tới.

Rủi ro tiềm tàng


Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN:

Dự trữ ngoại hối VN được nâng lên hơn 36 tỷ USD là mức cao nhất từ trước đến nay, giúp hỗ trợ tốt cho hoạt động thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, VN theo đuổi chế độ neo tỷ giá USD giúp làm giảm chi phí và rủi ro giao dịch nhưng đối với thị trường tài chính chưa hoàn thiện của VN nó ẩn chứa những rủi ro tiềm tàng.

Thực tế cho thấy trong năm 2013, tỷ giá thị trường tự do tăng mạnh do tâm lý đồn đoán về điều chỉnh tiền VND. Hơn nữa, VND bị đánh giá cao, không hỗ trợ xuất khẩu, ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế . Rủi ro lớn hơn là VN đang phải đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh, theo đó sẽ ảnh hưởng mạnh đến ổn định vĩ mô, một khi kinh tế đảo chiều, tăng trưởng tốt hơn, nhu cầu nhập khẩu gia tăng và giảm sút các dòng vốn vào do bất ổn kinh tế, chính trị thế giới.

Ngoài ra, dòng tiền nóng vào VN trong vài năm qua gia tăng nhanh chóng chủ yếu để tận dụng mức lãi suất cao so với mặt bằng lãi suất chung của thế giới. Trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng giảm nhanh thì các dòng tiền nóng này có thể đổi chiều nhanh chóng, từ đó gia tăng rủi ro đến ổn định tỷ giá.

Không thuận lợi


TS Tô Trung Thành -Trưởng bộ môn Kinh tế vi mô ĐH Kinh tế Quốc dân:

Cơ chế neo cố định theo USD hiện nay ảnh hưởng không thuận lợi đến cán cân thương mại ở khía cạnh là tiền đồng quá lệ thuộc vào USD. Hiện nay, cơ cấu xuất khẩu của VN vào Mỹ chưa tới 20%, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ chỉ chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa VN và Mỹ chỉ chiếm 11%, trong khi Trung Quốc là 19%, Nhật Bản là 9,5% và EU là 12,8%.

Việc phụ thuộc lớn vào USD, trong khi thương mại và vay nợ phụ thuộc vào đồng tiền các nước khác với tỷ trọng cao hơn khiến cho tỷ giá song phương giữa VN và các nước bạn hàng lớn bị ảnh hưởng trong quan hệ thương mại và đầu tư, không phản ánh được đúng tương quan kinh tế giữa VN và các nước bạn hàng. Cùng với đó, việc neo giữ chặt vào đồng USD cũng khiến lựa chọn chính sách trở nên thu hẹp hơn. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, chuyển sang cơ chế neo giữ một giỏ tiền tệ là một lựa chọn hợp lý, vừa giữ được ổn định tỷ giá ở mức độ nhất định, vừa đảm bảo tính linh hoạt của chính sách…

Thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá


Ông Nguyễn Minh Hải -Tổng Giám đốc Cty Kiểm toán và Thẩm định giá AVA:

Trên thực tế, tỷ giá và cán cân thương mại tại VN ít thấy mối quan hệ chặt chẽ theo lý thuyết.

Thực tế cho thấy trong khi sử dụng công cụ tỷ giá có thể không đóng góp nhiều vào cải thiện cán cân thương mại bền vững thì việc giữ tỷ giá cố định trong thời gian quá dài không tạo được động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước và không khuyến khích được việc gia tăng các ngành hàng xuất khẩu. Vì thế, cần thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn.

Theo đó, để tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá trong giới hạn ổn định cho phép, cần tăng biên độ dao động của tỷ giá ngân hàng thương mại xung quanh tỷ giá chính thức thay vì vẫn giữ ở mức 1% hiện nay (kể từ đầu năm 2011). Bên cạnh đó, cần tránh xu hướng điều chỉnh tăng đột ngột một chiều tỷ giá sau đó giữ nguyên tỷ giá chính thức trong thời gian dài. Do vậy, cần tạo linh hoạt hơn cho tỷ giá có lên, có xuống với mức điều chỉnh nhẹ với tần suất nhiều hơn, như vậy sẽ có lợi cho DN và nền kinh tế đất nước