Chính quyền vào cuộc, vay tín chấp tăng

Thời gian qua, Chương trình kết nối NH - DN đang triển khai trên phạm vi cả nước đã nhận được sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Với sự "bảo lãnh" của cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội và tổ chức chính trị-xã hội, các NH đã củng cố thêm niềm tin và tích cực đẩy mạnh cho vay đối với các DN tốt, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong đó, NH đã dành một nguồn vốn đáng kể cho vay theo hình thức tín chấp.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ và NHNN đã có chủ trương và ban hành chính sách khuyến khích các NH đẩy mạnh cho vay DN theo hình thức tín chấp. Tuy nhiên trên thực tế, các DN đủ điều kiện cho vay tín chấp không nhiều, đặc biệt là các DNNVV. Việc chính quyền địa phương tích cực vào cuộc như một hình thức bảo lãnh cho các DN kinh doanh tốt để các NH yên tâm và ưu tiên cho vay vốn không cần tài sản thế chấp.


Chính quyền địa phương là cầu nối giữa DN và NH

Thực tế, việc cho vay tín chấp đối với DN được các NH triển khai từ lâu, nhưng cho vay có chọn lọc bởi mức độ rủi ro cao. Các DN được NH chấp nhận cho vay tín chấp đều là khách hàng lâu năm, có hoạt động kinh doanh tốt, tài chính lành mạnh, có khả năng trả nợ cao…

Giám đốc Công ty TNHH Khí công nghiệp Đông Anh (Hà Nội) - ông Nguyễn Văn Thuyết cho biết, các DNNVV khó có thể sản xuất kinh doanh nếu không có thêm nguồn vốn từ NH. Hiện nay các DNNNV nguồn lực vốn rất hạn chế, đang gặp nhiều khó khăn, một số hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Thời gian qua, NH giảm mạnh lãi suất cho vay tạo điều kiện cho DN giảm chi phí vốn, hỗ trợ nhiều cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, một trong những rào cản khiến DN khó tiếp cận vốn NH chính là tài sản thế chấp.

Theo ông Thuyết, việc NH triển khai cho DN vay bằng hình thức tín chấp là một chính sách mà các DN mong đợi. Là DN làm ăn tốt, tài chính lành mạnh, tình hình kinh doanh phát triển, đồng thời công ty còn là khách hàng lâu năm với VietinBank Đông Anh. Chính bởi vậy, việc NH tạo điều kiện cho DN vay vốn tiếp tục hoạt động sản xuất sẽ tạo thuận lợi cho DN phát triển vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nhưng cho vay theo hình thức tín chấp có tỷ lệ rủi ro cao nên phía các NH khá thận trọng. Lãnh đạo một NHTM lớn cho biết khi quyết định cho một khách hàng vay tín chấp là hai bên đã phải có được lòng tin ở nhau. Vì thế, nếu là khách hàng mới thì rất khó xét duyệt cho vay ngay khi nhận được yêu cầu mà phía NH thường phải "điều nghiên" DN. Nhưng thực tế hiệu quả của quá trình này không đơn giản khi những luật định về công khai, minh bạch thông tin của chúng ta chưa đầy đủ, chưa được DN tự nguyện tuân thủ.

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP. Hà Nội về triển khai Chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn thành phố, đến 22/8/2014, đã có 23 NHTM và chi nhánh NHTM đăng ký tham gia với hạn mức cam kết 17.870 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng.

Phó thống đốc NHNN - bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, ở các nước trên thế giới, khi NH cho vay tín dụng thì việc tìm kiếm những thông tin về khách hàng đối với họ rất dễ. NH có thể theo sát DN đó, xem họ có nợ thuế hay không, có từng bị nợ xấu không… và nhiều thông tin liên quan để đánh giá về uy tín và việc xếp hạng tín dụng cho DN rất dễ. Nhưng đối với các NH ở Việt Nam thì việc này còn khá khó khăn. Bởi vậy, Thống đốc NHNN rất quan tâm đến Chương trình kết nối NH - DN, đặc biệt có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, địa phương cả nước. Bởi lẽ, chính bản thân lãnh đạo tỉnh là người nắm rất rõ tình hình "sức khỏe" của các DN trên địa bàn nên khi có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh thì nhiều TCTD sẽ tin tưởng hơn.

Ông Nguyễn Hưởng - Giám đốc Công ty TNHH thương mại Minh Tâm (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, để thu mua nông sản vào mùa thu hoạch, công ty cần một số vốn khá lớn nên có nhu cầu vay NH. Tuy nhiên, những tài sản đáng giá thì đều đã được dùng thế chấp các khoản vay trước nên công ty chỉ có thể trông chờ vào chính sách cho vay tín chấp của NH.

Ông Hưởng cho biết, những năm qua công ty làm ăn hiệu quả, điều này đã được chứng minh thông qua tình hình sản xuất kinh doanh liên tục phát triển, được chính quyền huyện Đông Anh ghi nhận. Chính bởi vậy, tài sản lớn nhất của DN là uy tín, tín nhiệm đối với chính quyền và NH. Việc chính quyền ghi nhận và bảo lãnh cho DN là điều kiện tốt nhất để NH xem xét cho vay tín chấp.

Thời gian qua, Chương trình kết nối NH - DN đang triển khai trên phạm vi cả nước đã nhận được sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Với sự "bảo lãnh" của cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội và tổ chức chính trị-xã hội, các NH đã củng cố thêm niềm tin và tích cực đẩy mạnh cho vay đối với các DN tốt, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong đó, NH đã dành một nguồn vốn đáng kể cho vay theo hình thức tín chấp.