Chỉ còn một quý, các ngân hàng tăng vốn thế nào?

Chỉ còn một quý, các ngân hàng tăng vốn thế nào?

Kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được các NH xây dựng trong nhiều năm và tái trình cổ đông thông qua trong kỳ họp ĐHCĐ đầu năm nay, nhưng đến thời điểm này, việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn. Có ngân hàng phải trả lại tiền vì số cổ đông nộp tiền mua cổ phần ở mức thấp.

Giá cổ phiếu sụt giảm kéo dài, trong khi nhu cầu tăng vốn của ngành ngân hàng gia tăng trong những nằm gần đây, nhất là trước làn sóng sáp nhập, hợp nhất và đẩy mạnh tái cấu trúc ngành. Vì thế, không ít kế hoạch tăng vốn điều lệ ngân hàng bị trì hoãn 3 - 4 năm liền. Thậm chí, DongA Bank đã phải hủy kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng và trả lại tiền cho các cổ đông, vì số cổ đông nộp tiền mua cổ phần ở mức thấp.

Nhiều ngân hàng khác như: SaigonBank, Navibank, VietA Bank, OCB… có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng từ 2 - 3 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Trong đó, VietA Bank nhiều năm chưa thể thực hiện được kế hoạch phát hành 40,2 triệu cổ phiếu (tương đương 402 tỷ đồng) để tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng. Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo VietA Bank cho biết, năm 2013, đề án tái cấu trúc của Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét và đến cuối tháng 3/2014 mới chính thức được NHNN phê duyệt. Vì vậy, VietA Bank đã không kịp triển khai thực hiện các công việc để phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng trong năm vừa qua. Năm nay, VietA Bank xây dựng phương án tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sẽ tăng vốn từ 3.098 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng theo phương án phát hành 90,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ thặng dư vốn cổ phần, Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cho đối tác chiến lược. Thế nhưng, thời gian của năm 2014 còn lại không nhiều, kế hoạch trên vẫn chưa được triển khai.

Không những thế, HĐQT VietA Bank còn lên kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng sau khi hoàn tất việc tăng vốn ở đợt 1 và hoàn thành chậm nhất là cuối năm 2015.

Tương tự, kế hoạch tăng vốn từ 3.080 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng của SaigonBank cũng đã thất bại trong nhiều năm liền. Năm nay, SaigonBank dự kiến thực hiện trong năm và có thể kéo sang đầu năm tới, nhưng xem ra không dễ dàng. Bởi lẽ, SaigonBank có quy mô nhỏ, trong bối cảnh các ngân hàng nhỏ được nhận định là khó tránh khỏi hoạt động sáp nhập, hợp nhất.

Hai năm qua, OCB chưa triển khai được kế hoạch tăng vốn từ 3.234 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng như đã trình ĐHCĐ thông qua từ 2 năm qua. Trong đó, phát hành từ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, lợi nhuận chưa phân phối các năm để phân phối cho cổ đông theo tỷ lệ 10% (tương đương 323,4 tỷ đồng) và phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc 442,6 tỷ đồng.

Lãnh đạo OCB cho hay, Ngân hàng đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ cũng như chọn thời điểm phù hợp để triển khai kế hoạch tăng vốn, nhưng có những khó khăn nhất định, dù có cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Tài chính BNPP (Pháp), với tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại OCB là 20%.

Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng trong năm nay, sau khi được ĐHCĐ thông qua hồi đầu năm. Trên thực tế, kế hoạch này đã được Nam A Bank xây dựng trong 2 năm qua, nhưng chưa thể triển khai. Tháng 8/2014, Nam A Bank thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến bằng văn bản thông qua việc điều chỉnh phương án tăng vốn.

Tổng giám đốc Nam A Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ cho biết, Nam A Bank quyết tâm tăng vốn vào cuối năm nay, hiện Ngân hàng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục đệ trình các cơ quan hữu quan về kế hoạch tăng vốn.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc ngân hàng tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tăng vốn là rất khó. Giá cổ phiếu giảm, việc phát hành khó mang lại hiệu quả cao, trong khi áp lực sáp nhập, hợp nhất giữa các ngân hàng nhỏ ngày càng lớn, nên không dễ thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, tăng vốn điều lệ cũng sẽ kéo theo áp lực về tỷ lệ cổ tức.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng có vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng cho rằng, tăng vốn lúc này tạo áp lực không nhỏ trong việc đem lại hiệu quả cho đồng vốn tăng thêm, vì tình hình kinh doanh của ngân hàng hiện rất khó, nhất là đối với hoạt động tín dụng. Trong khi đó, việc đầu tư mở rộng mạng lưới cũng không dễ khi NHNN đang siết lại đối với hoạt động này.

Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng chia sẻ, một số kế hoạch tăng vốn đã được các ngân hàng đệ trình NHNN, nhưng chưa có phản hồi cụ thể.

"Quá trình xem xét kế hoạch tăng vốn hiện được kiểm soát kỹ lưỡng, nhằm hạn chế tình trạng cổ đông góp vốn ảo, sở hữu chéo - vấn đề đang được NHNN quyết liệt xử lý", vị lãnh đạo trên nói.