Châu Á cần hy sinh tăng trưởng để ứng phó với Fed

Các quốc gia đang phát triển ở châu Á có lẽ phải hy sinh phần nào tăng trưởng của năm sau và tập trung giữ ỗn định nền kinh tế trước những hậu quả tiềm tàng từ việc tăng lãi suất của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri nhận định.

Dòng thoái vốn là một mối đe dọa mà các thị trường mới đổi đang đối mặt khi triển vọng Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lôi kéo các quỹ đầu tư, ông Basri cho biết trong một cuộc phỏng vấn đầu tuần này ở Cairns, Australia, nơi diễn ra cuộc gặp mặt của các bộ trưởng tài chính G20.

Tại Indonesia, nơi lãi suất cơ bản hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2009, các nhà hoạch định chính sách có lẽ sẽ phải nâng lãi suất lên cao hơn nữa để duy trì sự hấp dẫn tương đối của quốc gia này với các nhà đầu tư, ông Basri nói.

"Trong ngắn hạn, một số thị trường mới nổi có thể phải chọn ổn định hóa làm phương án ưu tiên, thay vì tăng trưởng", ông Basri nói. "Bạn không thể kích thích tăng trưởng kinh tế khi giải quyết vấn đề này. Nó sẽ làm cho tình hình càng trở nên xấu hơn".

Đồng USD đã tăng giá khi Fed tiến gần hơn đến đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006, trong khi đồng rupiah của Indonesia lao dốc 5 tuần liên tiếp khi các quỹ toàn cầu rút tiền khỏi chứng khoán địa phương nhằm đón trước khả năng tăng lãi suất ở Mỹ. Khi vài trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới phản ứng với việc thay đổi chính sách của Fed, đóng góp của các nước này đối với tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ yếu đi, ông Basri bình luận.

Đồng rupiah đã giảm 0,1% xuống còn 11.978 IDR/USD lúc 9h sáng thứ Hai trên thị trường Jakarta, theo cung cấp của các ngân hàng địa phương. Đồng tiền này đã giảm khoảng 4,6% so với 6 tháng trước và là một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất trong số 10 đồng tiền của châu Á được Bloomberg theo dõi. Chỉ số chứng khoán chính của Indonesia cũng giảm 0,2% cùng ngày.

Thách thức lớn nhất

Lo ngại của ông Basri nhấn mạnh nhiệm vụ mà các bộ trưởng tài chính G20 đang đối mặt khi họ cố gắng thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế chung của cả khối thêm 2% hoặc cao hơn trong vòng 5 năm tới. Các quan chức đồng ý rằng, chính sách tiền tệ nên tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và đặc biệt xử lý áp lực giảm phát đang rành rành ở một số nước, Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey phát biểu hôm thứ Hai, tại Cairns.

Triển vọng tăng lãi suất của Mỹ là thách thức lớn nhất mà chính phủ mới của Indonesia đang đối mặt, ông Basri khẳng định.

Tổng thống mới đắc cử Joko Widodo của Indonesia sẽ thừa kế một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2009 và một lỗ hổng cán cân vãng lai dai dẳng đang gây áp lực lên đồng rupiah. Ông Basri là ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế Bộ trưởng Tài chính trong nội các mới của ông Widodo, người sẽ chính thức tiếp quản cương vị Tổng thống trong tháng tới, theo một khảo sát 11 nhà phân tích và học giả Indonesia do Bloomberg vừa tiến hành.

Trong khi tăng trưởng vẫn đang chậm lại, ngân hàng trung ương nước này cần xem xét lại chính sách lãi suất của mình, ông Arif Budimanta, một trong những chuyên gia kinh tế của tân Tổng thống Widodo, cho biết tuần trước, bất chấp việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này, ông Agus Martowardojo nói rằng, dư địa để Ngân hàng điều động chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang bị giới hạn bởi các điều kiện toàn cầu.

Thâm hụt ngân sách

Ông Basri đã kêu gọi chính phủ mới của Indonesia tập trung vào việc cắt giảm thâm hụt ngân sách, để tăng giá nhiên liệu và thu hút đầu tư nước ngoài. Ở Indonesia, nơi lãi suất cơ bản hiện là 7,5%, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải kiên trì giữ chân các quỹ đầu tư nước ngoài, ông Basri cho biết.

"Có lẽ một vòng thắt chặt tiếp theo sẽ được thực hiện, cả về lĩnh vực tài khóa lẫn tiền tệ", ông Basri nói. "Một bước đi như vậy là không thực sự có lợi cho kích thích tăng trưởng kinh tế".

Để làm dịu bớt rủi ro các quỹ bỏ chảy về Mỹ, Indonesia cũng cần đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, vị bộ trưởng tài chính này nói, chẳng hạn tăng cường các quỹ đầu tư trái phiếu nội địa.

"Nếu thanh khoản toàn cầu trở nên hẹp hơn bởi chính sách thắt chặt của Fed, sẽ khó khăn hơn cho một nước như Indonesia trong việc thu hút nguồn tài chính bên ngoài", ông Basri nói.

Quang Huy (Theo báo chí nước ngoài)