Chất vấn Thống đốc: “Xử lý nợ xấu xấu hơn cả nợ xấu”

Chất vấn Thống đốc: “Xử lý nợ xấu xấu hơn cả nợ xấu”

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu quốc hội chiều 29/9, các đại biểu đã rất quan tâm đến vấn đề nợ xấu và chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Đại biểu dẫn báo cáo của NHNN cho biết, đến thời điểm hiện nay xử lý nợ xấu chủ yếu là biện pháp nội bộ của TCTD. Tuy nhiên điều này khiến năng lực tài chính của các TCTD giảm. Có ý kiến cho rằng cách xử lý nợ xấu xấu hơn cả nợ xấu, nếu để kéo dài thì sẽ kéo dài thêm khó khăn cho nền kinh tế và đe dọa sự bất ổn của hệ thống. Vậy Thống đốc và NHNN có giải pháp gì đồng bộ để giải quyết mạnh mẽ các vấn đề trên?

Một số đại biểu thì quan tâm đến VAMC, cho rằng nợ xấu là vấn đề rất cấp bách nhưng mới chỉ được nêu lên vấn đề, còn xử lý thì hết sức lúng túng, VAMC ra đời nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.

Trước đây các ngân hàng có xu hướng che giấu nợ xấu để làm đẹp sổ sách, báo cáo, từ đó chia cổ tức cao. Nhưng 3 năm qua Ngân hàng Nhà nước đang làm chặt và xử lý nghiêm những trường hợp nợ xấu cao mà vẫn chia cổ tức, chia lợi nhuận. Nhiều ngân hàng đã ngừng chia cổ tức, dùng tiền thặng dư để xử lý nợ xấu.

“Tính từ đầu năm, tháng 7 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện”, Thống đốc nói.

Về việc xử lý nợ xấu chậm, Thống đốc đồng tình với ý kiến của các đại biểu, nhưng dẫn theo kinh nghiệm của các nước cho thấy, cũng có nhiều bài học thành công, cũng có những bài học thất bại. “Thời gian qua, NHNN đã làm việc với các chuyên gia Nhật Bản và thấy rằng nợ xấu xử lý rất lâu, gây hệ lụy tới nền kinh tế. Còn ở Mỹ và châu Âu, nhờ kiên quyết xử lý nên khắc phục nhanh hơn”.

Ở Việt Nam, mô hình VAMC và việc xử lý nợ xấu, theo người đứng đầu ngành ngân hàng thì cần có các cơ chế mới để xử lý nhanh hơn. “VAMC trong một sớm một chiều chưa thể kỳ vọng một môi trường pháp lý hoàn chỉnh. Vì thế ngành ngân hàng vừa thực hiện vừa tháo gỡ khó khăn và xác định những bước đi dài hơn để hoàn chỉnh pháp lý, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động của VAMC, góp phần đẩy nhanh xử lý nợ xấu”, Thống đốc nói.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận trách nhiệm về sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng


Tùng Lâm - Mai Linh