Cấp thông tin: Không có chuyện ngân hàng gây khó

Cán bộ phụ trách khối tuân thủ và pháp chế của một NHTMCP, việc đổ lỗi cho NH gây khó khăn cho cơ quan tố tụng là không có cơ sở. NH hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin, không có ý định cản trở công tác điều tra hay thi hành án

Trước một số than phiền của cơ quan thực thi pháp luật về việc khó tiếp cận với thông tin tiền gửi và tài sản của khách hàng tại các NH, một lãnh đạo pháp chế NH cho biết, việc cung cấp thông tin khách hàng được thực hiện theo Thông tư 02/2001/TT-NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng.

Theo đó, chỉ được cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng khi có văn bản của Tổng giám đốc tổ chức bảo hiểm tiền gửi và văn bản của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Văn bản cũng yêu cầu tổ chức cung cấp thông tin phải do người có thẩm quyền là thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan này ký. Thông tư cũng nêu rõ, yêu cầu cung cấp thông tin phải được thực hiện bằng văn bản và phải có đầy đủ các nội dung như: lý do cần cung cấp thông tin; các thông tin cần cung cấp; mục đích sử dụng thông tin…

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ phụ trách khối tuân thủ, quản trị rủi ro hoạt động và pháp chế của một NHTMCP tại Hà Nội cho biết, việc đổ lỗi cho NH gây khó khăn cho cơ quan tố tụng là không có cơ sở. NH hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin, không có ý định cản trở công tác điều tra hay thi hành án. Việc NH không cung cấp thông tin bởi vì các cơ quan này không đảm bảo đầy đủ điều kiện giấy tờ, thủ tục đã quy định.

Thậm chí, theo lời của cán bộ này, NH thành lập hẳn bộ phận quan hệ công, để chuyên hỗ trợ cung cấp thông tin cho cơ quan công an, thanh tra, hải quan, thuế… Các văn bản gửi với khối lượng công việc tương đối nhiều. Chỉ tính riêng tại hội sở chính, từ đầu năm 2014 đến ngày 19/9/2014, NH này đã tiếp nhận tới 431 yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan chức năng. "Thời gian vừa rồi tội phạm khá nhiều. Công an thường gửi yêu cầu cung cấp thông tin tương đối gấp, nhiều sự vụ đang điều tra, nhiều sự vụ vừa mới được tố cáo là yêu cầu cung cấp luôn", vị nọ cho hay.

Với những vụ việc cần xử lý nhanh, các NH có xu hướng cung cấp thông tin nhanh để xử lý, vừa để bảo vệ đỡ thiệt hại cho NH và các tổ chức khác. Nhưng có những vụ việc liên quan án kinh tế hay tội phạm kinh tế, hồ sơ đang trong quá trình điều tra, các cơ quan điều tra cũng tìm đến yêu cầu cung cấp thông tin ngay nhưng chỉ có mỗi công văn sang. Trong khi đó theo quy định của Thông tư 02, nhiều trường hợp NH chỉ được cung cấp thông tin khi có quyết định khởi tố vụ án…

Với trường hợp như vậy, thông thường NH có xu hướng hỗ trợ bằng cách hướng dẫn các điều kiện cần thiết để cơ quan yêu cầu cung cấp thông tin thực hiện theo đúng thẩm quyền. Về phía nội bộ NH vẫn thực hiện rà soát tổng thể để lấy thông tin cần thiết, nhưng chỉ khi nào cơ quan yêu cầu cung cấp thông tin có quyết định khởi tố, NH mới cung cấp thông tin.

Sau khi biết quy định về cung cấp thông tin theo quy định của ngành NH rất chặt chẽ, đã có một số cán bộ của các cơ quan thi hành pháp luật mặc đồng phục mang công văn đến trình bày với NH: Tôi biết rằng, theo quy định của Thông tư 02 và Nghị định 07 thì phải có quyết định khởi tố, nhưng tôi nhờ các anh cung cấp trước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp chế NH cách làm này vô tình đã đặt NH vào thế khó xử, bởi thực tế trong quá trình phá án, điều tra nhiều khi hai bên mới khiếu kiện lẫn nhau. Nếu NH cứ cung cấp hết thông tin ra mà khách hàng bị án oan thì trách nhiệm bảo mật thông tin của NH với khách hàng sẽ như thế nào, khi quy định pháp luật về bảo mật đã được chuyển thể trong các điều khoản hợp đồng mở tài khoản với khách hàng?