Trong những năm gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đang tích cực nâng cao tính cạnh tranh và khai thác tối đa các cơ hội từ thị trường mang lại, đặc biệt là ở mảng dịch vụ ngân hàng điện tử.
Thị trường màu mỡ chưa được khai phá triệt để
Theo chia sẻ của đại diện Ngân hàng Maritime bank, dịch vụ Mobile Banking được ngân hàng này ra mắt vào cuối năm 2011, đến nay 30% khách hàng sử dụng Mobile banking. Tốc độ tăng trưởng về khách hàng và về doanh số về luôn ở mức ấn tượng 400% là 400% về số lượng giao dịch và 600% về giá trị giao dịch trong 4 năm gần đây (2011-2014). Nhận định đây là một thị trường tiềm năng nên ngân hàng đặt mục tiêu khá tham vọng đó là độ phủ dịch vụ Mobile banking đạt từ 80-90% khách hàng trong một vài năm tới.
Còn ông Anthony Berger - Cố vấn sáng tạo của ngân hàng OceanBank cho biết: Số người sử dụng dịch vụ này của ngân hàng Oceanbank tăng trưởng 120% qua từng năm. Ngân hàng dự kiến sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng khách hàng dùng dịch vụ Mobile Banking lên 200-300% mỗi năm trong thời gian tới.
Thống kê của Công ty Dịch vụ Thẻ Smartlink cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của dịch vụ này khoảng 20-30% mỗi tháng
“Internet Banking ra đời và phát triển trước Mobile Banking, do đó hiện nay tốc độ phát triển của loại hình này chậm dần trong khi Mobile Banking được đánh giá là đang chuẩn bị bước vào xu thế tăng trưởng mạnh trong các năm sắp tới” – Đại diện smartlink chia sẻ.
Đại diện ngân hàng VPBank thì đánh giá, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với nhóm dân số trẻ nhất trong lịch sử của đất nước: 65% dân số là dưới 30 tuổi, trong đó độ tuổi trung bình của nhóm tuổi này là 26 tuổi. Là 1 nước đang phát triển với cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh về số lượng người sử dụng internet và các thiết bị số, đặc biệt là mạng xã hội và thiết bị di động.
Tính đến thời điểm hết 2013, Việt Nam có đến hơn 36 triệu người sử dụng Internet (chiếm 39% dân số), trong đó có 34% truy cập internet qua các thiết bi di động và hơn 136 triệu thuê bao di động. Điều đó buộc các NHTM của Việt Nam phải ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú của khách hàng.
“Do đó, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của Mobile Banking. Tỷ lệ tăng trưởng giữa người dùng mobile với người dùng Mobile Banking tại Việt Nam chưa tương xứng. Có thể nói, đây là một thị phần rất màu mỡ và chưa được các ngân hàng khai phá triệt để” – Ngân hàng VPBank nhận định.
Maritime Bank đã dự báo rằng, trong 2-3 năm tới, hầu hết các ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ này tới khách hàng và độ phủ dịch vụ này tai Việt nam sẽ đạt khoảng 20% dân số Việt nam.
Cạnh tranh sẽ âm thầm nhưng quyết liệt
Một số chuyên gia tài chính nhận định, xu hướng di động hóa và cơ hội tiếp cận khách hàng trẻ khiến tất cả các ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc trong việc cung cấp các dịch vụ phù hợp với phân khúc khách hàng này.
Cuộc cạnh tranh sẽ trở nên khắc nghiệt hơn với sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài, thậm chí của các tổ chức không phải ngân hàng như các công ty thương mại điện tử, trung gian thanh toán, ví điện tử hay các nhà mạng.
Nói về sự cạnh tranh giữa ngân hàng nội và ngân hàng ngoại trong lĩnh vực này, ông Rahn Wood - Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ của ngân hàng Quốc tế (VIB) cho rằng: Các ngân hàng ngoại thường có công nghệ hiện đại, tuy nhiên, các ngân hàng nội địa hiện nay đã chú trọng hơn đến lĩnh vực này.
“Một số ngân hàng nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến và Mobile Banking với tính năng rất phong phú mà các ngân hàng địa phương không sẵn có. Tuy nhiên, tôi cho rằng những dịch vụ này có thể chưa thực sự cần thiết hoặc bản thân những khách hàng sử dụng chúng chưa có nhu cầu. Các ngân hàng nội địa có rất nhiều lợi thế trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến nói chung và dịch vụ Mobile Banking cho khách hàng ở Việt Nam”.
Ngân hàng VPBank thì nhìn nhận, đây là một cuộc cạnh tranh khá khốc liệt, mặc dù không bùng nổ và ầm ĩ, nhưng tất cả các ngân hàng đang âm thầm chạy đua theo các chiến lược riêng của mình.
Cuộc đua này trao cơ hội cho mọi ngân hàng, không quan trọng đó là một ngân hàng lâu đời, có mạng lưới rộng khắp, tổng tài sản lớn hay một ngân hàng nhỏ mới nổi. Chỉ có ngân hàng nào hiểu được nhu cầu khách hàng và sẵn sàng cho sự chuyển đổi mới nắm được thế thượng phong.
Hơn nữa khi việc chạy đua về phí và tính năng dịch vụ không giúp các ngân hàng tiếp cận và chăm sóc thêm nhiều khách hàng thì việc đa dạng hóa kênh phân phối và cung cấp các kênh giao dịch tiện lợi là yếu tố then chốt. Do đó, mảnh đất Mobile banking sẽ là cơ hội và thách thức cho tất cả các ngân hàng tham gia vào thị trường. Việc triển khai càng sớm, tiếp cận càng đông đảo phân khúc khách hàng trẻ sẽ là thị trường màu mỡ để các ngân hàng bứt lên phía trước.
Khánh Nhi – Lan Nguyên