Căng thẳng dư địa điều hành tỷ giá

Căng thẳng dư địa điều hành tỷ giá

Mới 5 tháng đầu năm, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá hết biên độ 2%. Việc NHNN liên tiếp tăng tỷ giá sau khi vừa trấn an thị trường rằng những biến động của tỷ giá do yếu tố tâm lý đã dẫn đến suy đoán NHNN đang chạy theo thị trường trong điều hành.

Từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố đe dọa sự ổn định của mặt bằng tỷ giá, nên một số dự báo cho rằng có thể năm nay tỷ giá sẽ tăng vượt mục tiêu 2% của NHNN.

Có phải yếu tố tâm lý?

Cuối năm 2014, tỷ giá trên thị trường liên tục biến động mạnh, dù vẫn còn dư địa tăng tỷ giá theo định hướng điều hành đặt ra nhưng NHNN không điều chỉnh. Đến ngày 7-1-2015, NHNN bất ngờ điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH giữa VNĐ và USD tăng 1%, từ mức 21.246 đồng/USD lên 21.458 đồng/USD, với biên độ tỷ giá ±1% so với tỷ giá bình quân liên NH, tỷ giá trần 21.673 đồng/USD, tỷ giá sàn 21.243 đồng/USD. Ngay lập tức tỷ giá hạ nhiệt nhẹ.

Tháng 3 tỷ giá tiếp tục tăng mạnh lên mức 22.945-21.500 đồng/USD (mua vào - bán ra). Ngày 25-3, NHNN phát đi thông báo cho rằng tỷ giá diễn biến tăng trong nửa cuối tháng 3 do yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá mạnh của USD trên thị trường thế giới, các yếu tố cung cầu ngoại tệ không có biến động lớn và đáng lo ngại, mặt bằng tỷ giá vẫn thấp xa hơn so với mức trần tỷ giá theo quy định của NHNN. Và việc tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá sẽ có lợi hơn việc điều chỉnh tỷ giá.

Từ năm 2016, NHNN cần có chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt hơn để đảm bảo sức cạnh tranh của đồng nội tệ. Thực hiện điều này sẽ đảm bảo các mục tiêu, như không gây ảnh hưởng dự tính kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo niềm tin giữ VNĐ luôn có lợi hơn USD.

TS. Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tuy vậy, động thái này cũng chỉ trấn an được thị trường trong thời gian ngắn. Đến ngày 6-5, tỷ giá bán ra của một số NHTM đã chính thức chạm trần 21.673 đồng/USD trong khi trên thị trường tự do, tỷ giá mua bán đạt mức 21.660-21.685 đồng/USD. So với trước ngày 30-4, tỷ giá đã tăng khoảng 70 đồng và kịch trần. Đây là diễn biến khá hiếm hoi trên thị trường trong 3 năm qua. Đến sáng 7-5, NHNN đã công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH tăng thêm 1%.

Trước đó, ngày 6-5, báo cáo nhanh của Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) về thị trường ngoại hối cho biết trong tháng 4, các TCTD vẫn mua ròng ngoại tệ và trạng thái ngoại tệ của các TCTD được cải thiện đáng kể so với cuối tháng 3, nhu cầu ngoại tệ của khách hàng được đáp ứng đầy đủ, nhu cầu mua, bán ngoại tệ với khách hàng không có gì đột biến, tỷ giá tăng là do yếu tố tâm lý.

Song ngay sau đó, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá. Sau nhiều lần liên tục khẳng định tỷ giá tăng do yếu tố tâm lý nhưng vẫn phải điều chỉnh tỷ giá, đã đặt ra câu hỏi có phải NHNN vẫn điều hành theo xu hướng chạy theo tâm lý thị trường?

Sẽ vượt mục tiêu?

Với 2 lần điều chỉnh tỷ giá chỉ trong vòng 5 tháng đầu, hiện dư địa điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm 2015 theo như NHNN tuyên bố đã cạn room. Trong khi đó, thời gian từ nay đến cuối năm vẫn còn khá dài và còn một số thời điểm tỷ giá sẽ biến động tăng theo thời vụ và việc giữ ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra sẽ khó khăn. Cụ thể, nền kinh tế trong nước đang hồi phục cộng với việc nhập khẩu đang có xu hướng tăng sẽ đẩy cầu ngoại tệ tăng trong những tháng cuối năm. Trên thị trường tiền tệ thế giới, đồng USD hiện vẫn còn xu hướng tăng giá.

Trong khi đó, mới đây NHNN được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước. Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá và không can thiệp bán ra có thể vì muốn giữ nguyên dự trữ ngoại hối để thực hiện mục tiêu này. Nguồn dự trữ ngoại hối thông thường được dùng để chi cho nhập khẩu, nếu như kế hoạch này được thực hiện sẽ làm giảm bớt nguồn dự trữ ngoại hối và sẽ làm VNĐ yếu đi. Các yếu tố này chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng đến mặt bằng tỷ giá trên thị trường cũng như lời hứa sẽ điều hành tỷ giá không quá 2% trong năm nay của NHNN.

Ảh minh họa: LONG THANH


Theo các chuyên gia tài chính, hiện NHNN đã sử dụng hết biên độ điều chỉnh tỷ giá, nên trong những tháng còn lại nếu thị trường trong và ngoài nước có biến động lớn buộc NHNN phải tính đến khả năng điều chỉnh tỷ giá vượt mức cam kết do thị trường biến động khó lường. Vấn đề là NHNN cần có những thông điệp, những tuyên bố rõ ràng.

Tỷ giá nếu có điều chỉnh nên xuất phát từ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không nên vì trấn an chung chung vì điều này sẽ tạo cơ hội cho việc găm giữ, đầu cơ, kìm hãm nguồn cung dẫn đến khan hiếm ảo nhằm đẩy giá ngoại tệ, gây tác động xấu đến thị trường và ảnh hưởng đến quá trình chống đô la hóa nền kinh tế.