Ông nhận định gì về tình hình tăng trưởng tín dụng hiện còn xa mục tiêu đề ra 10 - 12% cho năm nay?
Tôi cho rằng, ngành ngân hàng đã nỗ lực và triển khai rất tích cực. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thể hiện rõ vai trò tổng chỉ huy ngành, bình ổn thị trường tiền tệ, hạ lãi suất, giữ ổn định tỷ giá, giá vàng, lạm phát giảm và nằm trong tầm kiểm soát; đồng thời, cơ cấu lại thời hạn nợ, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chủ động triển khai các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương, gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế…
Bên cạnh đó, các NHTM cũng đưa ra nhiều chương trình cho vay, các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng để khơi thông dòng vốn; đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng có nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh được tiếp cận vốn vay; tháo gỡ khó khăn về tài chính tạm thời của khách hàng, phục hồi sản xuất, góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, các TCTD đã ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế; tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN…
|
Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó TGĐ MHB |
Trước những thông tin về việc, "các ngân hàng chiều DN như những ông hoàng, bà chúa" để cho vay nhằm giữ chân khách hàng và hòa vốn, ông có bình luận gì?
Trên thực tế, việc lôi kéo khách hàng lẫn nhau giữa các ngân hàng đang diễn ra và mỗi ngân hàng đều mong muốn phục vụ tốt khách hàng của mình. Đối với khách hàng thân thiết, truyền thống và đặc biệt là tiềm năng tốt thì các ngân hàng luôn có những chính sách để đảm bảo sự đồng hành và chia sẻ cùng khách hàng những lúc khó khăn nhất cũng như thuận lợi nhất.
Để có thể chăm sóc, chia sẻ, tư vấn, phục vụ, giữ chân khách hàng thì đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải biết và hiểu được khách hàng. Do đó, xu hướng trong thời gian tới, ngân hàng ngày càng đi cùng với hoạt động của khách hàng, DN để có những ứng xử và tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời là điều cần phải làm.
Hiện cũng đang có tình trạng DN tốt có chút vốn, lập hồ sơ vay vốn ngân hàng A kỳ hạn ngắn và chuyển tiền sang ngân hàng B gửi tiết kiệm, hưởng chênh lệch lãi suất. Theo ông, điều này có làm méo mó tăng trưởng tín dụng?
Việc các ngân hàng thương mại thực hiện vai trò cho vay đã phải tuân thủ các nguyên tắc và điều kiện của quy định cho vay của NHNN và các quy định khác của pháp luật. Trong các nguyên tắc đó đã có yêu cầu khách hàng phải sử dụng vốn vay đúng mục đích. Do vậy, nếu có một hai trường hợp nào đó mà báo nêu, theo tôi, khách hàng đã chỉ nhìn lợi ích trước mắt và quá ngắn hạn mà không nhìn lợi ích lâu dài cũng như sự phát triển của một DN gắn với sự phát triển của cả nền kinh tế.
Ông có gợi ý gì cho việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng một cách thực chất?
Thực tế cho thấy, năng lực của DN trong nước trong việc mở rộng sản xuất, phát triển thời gian qua phần lớn dựa vào nợ chứ không phải là vốn và trong phần nợ này thì vốn tín dụng là chủ yếu. Do vậy, trong tình hình như hiện nay, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như chỉ tiêu dự kiến đầu năm, điều cần thiết là sự "vùng dậy" của lực lượng DN sau thời gian dài đã nhìn lại, đánh giá và cơ cấu lại hoạt động của mình. Tôi cho rằng, đã đến lúc DN cũng phải cùng với cả nền kinh tế, các bộ và ngành ngân hàng khơi thông dòng chảy tín dụng hiện đang bị chậm thì mới thực sự tạo sự tăng trưởng bền vững, tạo động lực mới, cùng với các chính sách khác của Nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng thời, về phía Chính phủ và ngành ngân hàng, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN, chính sách thuế, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, cải cách nhanh thủ tục hành chính…