Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), mức thuế suất này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước.
Dự thảo quy định các mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ 95% trở lên sẽ phải chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu là 2% thay vì mức 0% như quy định hiện hành. Để hưởng thuế suất 0%, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng về hàm lượng vàng dưới 95%.
Ngay sau đó, VGTA đã gửi văn bản kiến nghị với Bộ Tài chính: "Việc xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ là xuất khẩu giá trị lao động sống và tái tạo ngoại tệ từ nguồn nguyên liệu, máy móc, công nghệ nhập khẩu nên cần được khuyến khích để tạo việc làm cho hàng vạn lao động ở các làng nghề. Hơn nữa, khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành vàng bạc đá quý Việt Nam sẽ còn chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn nữa".
Tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp vàng bạc đá quý cũng kiến nghị giữ nguyên mức thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng này như hiện hành 0% trong một thời gian nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.
Ông Đinh Nho Bảng cho rằng mức thuế suất thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ 0% chỉ mới áp dụng 10 tháng gần đây, nay lại thay đổi cho thấy chính sách vĩ mô chưa thực sự ổn định. Điều này gây khó khăn đến doanh nghiệp trong ngành.
Ông Bảng lý giải, ngay cả mức thuế suất hiện hành 0% mà doanh nghiệp cũng đã gặp khó khăn vì nguyên liệu mua vào hiện tại chủ yếu là trôi nổi trong nước vì bị siết nhập khẩu, vốn tín dụng NH không vay được, nếu tăng thuế suất giá thành của sản phẩm sẽ cao dẫn đến không thể cạnh tranh được với vàng trang sức của nước ngoài.
Cũng theo ông Bảng, ở các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… đang có nhiều lợi thế cạnh tranh vì được nhập khẩu nguồn nguyên liệu, mức thuế suất xuất khẩu bằng 0… cộng với trình độ công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, các doanh nghiệp vàng tại Việt Nam vừa thực hiện chuyển đổi theo Nghị quyết 24 của Chính phủ là hạn chế tối thiểu sản xuất vàng miếng chuyển sang sản xuất vàng trang sức. Do đó họ vừa bỏ ra khoản chi phí lớn để thay đổi mô hình hoạt động và tuyển dụng nguồn lớn nhân công.
Bên cạnh đó, với bối cảnh hiện nay là lực cầu của thị trường trong nước giảm do kinh tế khó khăn, người dân tập trung lo đời sống còn vàng trang sức không phải ai cũng có nhu cầu. Như vậy, nếu tăng mức thuế suất xuất khẩu sẽ làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn.
Từ những lý do đó, ông Bảng cho rằng Bộ Tài chính nên tạm thời giữ nguyên mức thuế suất 0% để đảm bảo sự ổn định chính sách vĩ mô, tạo cơ hội thuận lợi cho môi trường đầu tư. Nếu trong trường hợp Chính phủ thấy cần có mức thuế suất thì đề nghị đối với vàng 99% trở lên đánh thuế 0,5%, còn dưới 99% vẫn là 0%.
Bởi ông Bảng cũng nhấn mạnh về mặt lý thuyết nếu tăng thuế suất xuất khẩu tức là hạn chế xuất khẩu, giảm sản xuất. Còn nếu mục tiêu để gia tăng nguồn thu ngân sách, ở mức thuế suất 0% các doanh nghiệp hoạt động tốt vẫn đảm bảo nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... hơn là gây khó cho doanh nghiệp dẫn đến hoạt động trì trệ và người lao động mất việc làm.