Trong số báo 139 (1456) phát hành ngày 29/8/2014 và số báo 144 (1461) phát hành ngày 9/9/2014 Báo Người cao tuổi đã phản ánh những hành vi thể hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của bà Hứa Thị Phấn, cổ đông lớn, cố vấn cao cấp Ngân hàng ĐT (viết tắt là NH Đ).
Trong đó, phải kể đến vai trò đồng mưu giúp sức đắc lực của các ông Hoàng Văn Toàn, cựu Chủ tịch HĐQT và ông Trần Sơn Nam, cựu Tổng Giám đốc; đồng thời đặt ra nhiều nghi vấn cần được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Các hành vi đầy dấu hiệu phạm pháp có hệ thống, có tổ chức này đến nay chưa được các cơ quan bảo vệ pháp luật kết luận, xử lí…
Điểm danh những "thành tích bất hảo" của nhóm lợi ích…
Một, nâng giá đất từ 37,4 đồng/m2 lên hơn 2 tỉ đồng/m2 trong 1 phi vụ mua bán lòng vòng căn nhà số 05 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP Hồ Chí Minh vào thời điểm tháng 1/2008.
Tương tự, nhà số 10 Lý Tự Trọng, Quận 1; nhà số 426 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3 và nhà số 1 - 3 - 5 Cao Xuân Dục, Quận 8, TP Hồ Chí Minh đều được nhóm ông Toàn, bà Phấn nâng khống giá "bán" cho NH Đ (của chính họ) với giá rất cao.
Ở đây, phát sinh nhiều điều bất thường, đầy nghi vấn: Số tiền chênh lệch giữa giá mua và giá bán cả vài trăm tỉ đồng hoặc hơn 1.000 tỉ đồng cho mỗi phi vụ như thế trong tình hình bất động sản rớt giá thê thảm từ 2008 - 2009 đến nay mà người mua lại chính là NH Đ (do bà Phấn chi phối); tiền xuất chi mua là tiền của NH Đ(!). Vậy nhóm ông Toàn, bà Phấn mua bán lòng vòng nhằm mục đích gì?
Các hồ sơ mua bán từng giai đoạn bà Phấn có trốn thuế thu nhập trong các phi vụ mua bán nhà đất này? Thông báo nộp thuế ngày 16/2/2012 là 12,5 tỉ đồng có quá ít không? Nhập nhằng việc chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản giữa Công ty CP Địa ốc Lam Giang với bà Phấn khi bán tài sản cho NH Đ? Qua các phi vụ bất thường này, nhóm bà Phấn, ông Toàn thực tế chiếm hưởng bao nhiêu trong các khoản kê khống nâng giá khủng đó?
Hai, các năm 2009, 2010, 2011 và năm 2012 ông Hoàng Văn Toàn và bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo nhiều người đứng tên vay hộ ông Toàn, bà Phấn 29 hợp đồng tín dụng với các tài sản bảo đảm có giá trị rất thấp. Tổng số tiền dư nợ gốc (chưa tính lãi) của 29 hồ sơ này tính đến tháng 4/2012 là 3.581,72 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chưa kết luận số lượng hợp đồng tín dụng vay có giá trị tài sản bảo đảm thật là bao nhiêu? Có bao nhiêu hợp đồng tín dụng vay không có tài sản bảo đảm? Tài sản có chính chủ không? Các GCNQSDĐ có thật hay giả mạo? Giá các lô đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè được thế chấp do chính NH Đ định giá để cho vay có mức thấp nhất 8 triệu đồng/m2, cao nhất 32 triệu đồng/m2 dựa trên cơ sở nào, có thẩm định không?
Những người vay giùm hưởng lợi gì và họ có biết đã giúp cho ông Toàn, bà Phấn chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép số lượng lớn tiền của NH Đ không? Cần trưng cầu giám định tài sản bảo đảm và khả năng thu hồi vốn vay, nhằm xác định hậu quả thiệt hại? Những người liên quan duyệt cho vay đã vi phạm quy định Luật Tín dụng trong hoạt động của như thế nào?
Được biết, giá đất trong khu vực có các lô đất nông nghiệp của 29 hồ sơ vay đang thế chấp ở NH Đ hiện được giao dịch trên thị trường chỉ dao động từ 300.000 đồng/m2 đến 1.000.000 đồng/m2.
Các lô đất này gần như không có đường vào thậm chí muốn tiếp cận bằng ô-tô cũng rất khó, phải đi vòng vèo… Đấy là những lô đất trồng lúa không thuộc diện đất dự án hoặc có quy hoạch khu dân cư phải đền bù giải tỏa. Rõ ràng các lô đất này đã bị nâng khống với 1 cái giá cao không thể tưởng?
Ba, năm 2009 và năm 2010 bà Hứa Thị Phấn nhờ người khác đứng tên góp vốn mua cổ phần NH Đ gần 2.000 tỉ đồng. Vậy những ai người đứng tên giùm, vào thời gian cụ thể nào? Nguồn gốc số tiền mua cổ phần cho bà Phấn có phải từ nguồn tiền của 29 người đứng hộ tên vay 3.581 tỉ đồng không? Có dòng tiền thực tế không và có nộp tiền mua cổ phần thực hay không? Số tiền bà 3.581 tỉ đồng bà Phấn nhờ người khác đứng tên vay giùm sử dụng vào những việc gì?
Bốn, ngày 9/10/2012, bà Hứa Thị Phấn đại diện các cổ đông khác (thực chất của bà Phấn) đã kí Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự ("bán" NH Đ) cho ông Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh với nội dung chuyển giao 84,92% cổ phần NH Đ giá trị tương đương số tiền 4.619,61 tỉ đồng.
Nghĩa là ông Danh có nghĩa vụ trả nợ thay cho nhóm ông Toàn, bà Phấn 135 tỉ đồng (bà Phấn đã tạm ứng của NH Đ) cộng với số tiền bà Phấn nhờ 29 người khác vay hộ 3.581,72 tỉ đồng.
Hợp đồng còn quy định bà Phấn chuyển giao cho ông Danh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay 902,89 tỉ đồng là tiền ông Toàn, bà Phấn "rút ruột được" của NH Đ lách qua hình thức NH Đ đầu tư hợp tác với các công ty sân sau của ông Toàn, bà Phấn nhằm khỏi thế chấp tài sản bảo đảm (như khi vay tín dụng), cũng khỏi phải trả lãi vay hằng tháng (nhưng nếu đầu tư thua lỗ thì NH Đ chịu).
Điều này làm rõ thêm sức ảnh hưởng và sự chi phối mang tính quyết định của bà Hứa Thị Phấn trong các phi vụ dễ dàng "rút ruột" tiền khủng ở NH Đ.
Ông Phạm Công Danh lấy nguồn "tiền mặt" từ đâu để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho ông Toàn, bà Phấn? Thực tế 29 hồ sơ vay hộ khiến tài sản thế chấp có giá trị rất thấp hoặc KHÔNG CÓ tài sản đối ứng.
Nếu có trả hết tổng số tiền "rút ruột" NH Đ của ông Toàn, bà Phấn thì ông Danh cũng chỉ nhận lại một đống giấy tờ, tài sản chẳng có giá giá trị, nên ông Danh không "chết" mới là chuyện lạ?
Việc chuyển giao "nghĩa vụ trả nợ thay" như trên chỉ là danh nghĩa nhằm che giấu những hành vi phạm pháp nghiêm trọng của "nhóm lợi ích" (ông Hoàng Văn Toàn, bà Hứa Thị Phấn, ông Phạm Công Danh… Có lẽ vì vậy mà ông Danh trong tư cách người thay thế bà Phấn tiếp tục thao túng NH Đ(!).
Để có những "thành tích bất hảo" nêu trên phải kể đến vai trò vô cùng quan trọng và đồng phạm của các ông Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam. Cố ý làm trái, cố tình phạm tội ở ông Toàn, ông Nam và bà Phấn là rất cao thể hiện bằng những hành vi phạm pháp có tổ chức, có hệ thống.
Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự nói trên là một kiểu hợp đồng "mua bán Ngân hàng" giữa bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh mà luật hiện nay cấm! Hợp đồng này phải được tuyên vô hiệu, phải bị huỷ bỏ!
Trở lại 29 hợp đồng tín dụng vay hộ nói trên là người đứng tên vay hộ lại là cán bộ công nhân viên đang làm việc tại NH Đ (lái xe, thủ quỹ, kế toán, nhân viên…) có cả cháu của bà Phấn.
Điều bất cập này thể hiện: Ở khu vực Quận 2, có các GCNQSDĐ đứng tên Hồ Hứa Thùy Anh, nhưng Nguyễn Thị Đoan Trang (cháu bà Phấn) đứng tên vay 150 tỉ đồng; Bùi Thị Kim Loan (kế toán, nhân viên NH Đ) đứng tên vay 346 tỉ đồng, Hồ Tuấn Kiệt (lái xe) đứng tên vay 101 tỉ đồng.
Có 4 QSDĐ ở phường An Phú, người được ủy quyền là Lâm Kim Dũng. Nghiêm trọng hơn có Phạm Hồng Hảo (thủ quỹ NH Đ), Ngô Thị Ngân (nhân viên của NH Đ) đứng tên vay 80 tỉ đồng… Ngoài ra, việc cho vay này còn vi phạm hạn mức vay quy định của ngân hàng (cá nhân không quá 5% vốn điều lệ).
"Tay không bắt giặc…"
Những "thành tích bất hảo" trên đây thể hiện ông Hoàng Văn Toàn, bà Hứa Thị Phấn là người "tay không bắt giặc" - 1 kiểu "nhóm lợi ích đen" bằng nhiều thủ đoạn tinh vi đã dễ dàng "rút ruột", chiếm giữ trái phép của NH Đ một số tiền khổng lồ và chưa có tiền lệ.
Một, tháng 11/2011, NH Đ kí hợp đồng cho cá nhân bà Võ Thị Thu Hồng vay 200 tỉ đồng có tài sản bảo đảm là bất động sản lớn.
Sau khi các thủ tục hợp đồng tín dụng được kí, nhóm lãnh đạo cũ của NH Đ và bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo cho nhân viên NH Đ giải ngân cho bà Phấn sử dụng và chiếm giữ toàn bộ số tiền 200 tỉ đồng này.
Khi bị bà Thu Hồng phát hiện truy đòi thì họ đã chỉ đạo cho Bùi Thị Kim Loan (nhân viên) viết giấy tay gọi là xin vay tiền của bà Hồng; dù bà Hồng không quen biết, không biết mặt và không có bất cứ thoả thuận nào với Bùi Thị Kim Loan. Đến nay nhóm lãnh đạo cũ NH Đ và bà Phấn vẫn chiếm đoạt số tiền này không trả. Bà Thu Hồng khổ sở cứ phải gửi đơn kêu cứu khắp nơi!
Hai, bà Hứa Thị Phấn trong vai trò cổ đông lớn chi phối, là cố vấn cao cấp, thành viên nhóm đứng đầu Hội đồng Tín dụng (quyết định cho ai vay tiền) thuộc NH Đ đã tạm ứng 135 tỉ đồng đến nay không trả lại.
Ba, số tiền bà Phấn nhờ 29 người khác đứng vay hộ là 3.581,72 tỉ đồng, nhưng suốt mấy năm qua bà Phấn không trả bất cứ đồng nợ gốc và lãi nào. Trong khi đó thì tài sản thế chấp cho 29 hồ sơ vay giùm này đã bị kê giá lên 20 - 30 lần để "nhóm lợi ích đen" rút lượng lớn tiền chiếm giữ trái phép, bất minh.
Bốn, tháng 10/2012, bà Hứa Thị Phấn kí chuyển nhượng toàn bộ 84,92% cổ phần NH Đ (thực chất là bán NH Đ trái pháp luật) cho ông Phạm Công Danh (bị bắt giam tháng 7/2014) với giá bán là 4.619,61 tỉ đồng (bằng đúng tổng số tiền 29 người vay hộ).
Chưa kể là theo Hợp đồng ông Danh phải chịu trách nhiệm thanh toán nhiều khoản nợ khác và gần 2.000 tỉ đồng lãi vay hơn 4.600 tỉ đồng rút ruột mà ông Toàn, bà Phấn không trả lãi.
Nhờ "dịp may hiếm có" trong vụ mua bán NH Đ dễ dàng này mà ông Danh càng xoay xở công nợ thì càng sa lầy và dẫn đến thảm cảnh bị bắt. Một kiểu "dụ ngọt" và "giết đẹp" ông Phạm Công Danh bởi "bàn tay nhám nhúa" của "nhóm lợi ích đen" Hoàng Văn Toàn, Hứa Thị Phấn, v.v…