Trong báo cáo tài chính hàng quý mới nhất của mình, JPMorgan Chase cho biết đã chi 1,1 tỷ USD để giải quyết các rắc rối pháp lý tiềm tàng. Tuy nhiên theo một nguồn tin mới đây, con số này có thể lên tới 5,9 tỷ USD.
Tại Credit Suisse cũng có câu chuyện tương tự khi công ty dành hơn 400 triệu USD cho các rủi ro pháp lý tiềm tàng trong quý gần đây nhất, nhưng họ có thể sẽ phải trả tới 1,2 tỷ USD nếu mọi việc không thuận lợi.
Toàn bộ thời gian và chi phí mà các ngân hàng dùng để giải quyết vấn đề pháp lý là những tài nguyên đã không được sử dụng để hỗ trợ các ngân hàng trong việc kinh doanh của họ như tăng cho vay và giúp đỡ những doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này sẽ không gây lo lắng cho các nhà đầu tư nếu kinh tế toàn cầu đang tươi sáng, nhưng do kinh tế thế giới đang bấp bênh, thì những nguồn tài nguyên khổng lồ dành để đối phó các rủi ro pháp lý này sẽ gây nên sự thất vọng lớn.
Các ngân hàng công bố các khoản chi theo những cách khác nhau, nhưng khi nhìn vào báo cáo tài chính quý 3 tổng thể của 10 ngân hàng lớn, có thể thấy rằng các ngân hàng đã dành một khoản tiền lớn lên tới hơn 15 tỷ USD cho việc đối phó với các rắc rối về pháp lý. Đó là chưa kể hàng chục tỷ USD mà họ đã sử dụng trong những quý trước. Và theo báo cáo của JPMorgan Chase và Credit Suisse, tổng số tiền mà họ phải trả có thể sẽ cao hơn nữa.
Có một vài cáo buộc về các ngân hàng trong thời gian gần đây trong khi có một vài cáo buộc khác lại xảy ra trước cuộc khủng hoang tài chính. Dưới đây là một vài vụ việc trong số những vụ điển hình:
- Một vụ kiện cáo dài tại Mỹ liên quan đến cho vay bất động sản thế chấp, khi tài sản thế chấp bị định giá sai, khiến ngân hàng Bank of America tiêu tốn 4,9 tỷ USD trong tổng số 5,3 tỷ USD chi phí cho kiện cáo vào quý 3 vừa qua.
- Việc cung cấp các hợp đồng bảo hiểm không phù hợp tại Anh đã tiêu tốn 160 triệu USD của ngân hàng RBS trong quý trước.
- Standard Chartered có thể phải đối mặt với những khoản phạt mới, chưa kể khoản phạt gần 1 tỷ USD cho đến thời điểm hiện tại, vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
- Tính đến nay, các ngân hàng đã phải chi 6 tỷ USD tiền phạt, bao gồm chi phí cho một vài cáo buộc hình sự gần đây, về vấn đề lãi suất liên ngân hàng (Libor).
Cũng liên quan đến vấn đề Libor, các cơ quan tài chính của chính phủ đang điều tra việc liệu các nhà đầu tư có thao túng các tỷ giá ngoại hối hay không. Giới truyền thông tài chính tại Anh đã đưa tin về số tiền 2 tỷ USD để dàn xếp vụ 6 ngân hàng gian lận tiền tệ này. Citigroup cũng có khả năng liên quan đến vụ việc trên và tuần trước cũng chi thêm 600 triệu USD cho các vấn đề pháp lý liên quan.
Trong khi đó, HSBC, Barclays và RBS đã chi 1,8 tỷ USD trong quý 3 cho các rủi ro pháp lý.
Nếu cuộc điều tra tỷ giá diễn ra theo đúng kế hoạch, các mức phạt cuối cùng của chính quyền Mỹ sẽ khắc nghiệt hơn nhiều so với những gì đang diễn ra. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu các khoản tiền lớn tiếp tục chảy không phải từ ngân hàng tới người vay, mà thay vào đó là tới các luật sư ngành ngân hàng.