Không phải tất cả các nền kinh tế mới nổi và đồng tiền của họ đều giống nhau, nhưng rất nhiều trong số đó lại đi xuống theo cùng một cách trong vài năm trở lại đây. Đó là các nước đã vay quá nhiều khi lãi suất xuống thấp ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu khiến việc đi vay trở nên hấp dẫn hơn trong thời gian qua.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã chỉ ra trong báo cáo của mình rằng việc đi vay này giúp các nền kinh tế mới nổi vượt qua được cuộc suy thoái toàn cầu bằng cách duy trì đầu tư và nâng cao tốc độ tăng trưởng.
Nhưng những con số liên quan lại cho thấy điều đáng lo ngại. Nợ của các công ty phi tài chính tại thị trường mới nổi đã tăng chóng mặt, từ con số 4.000 tỷ USD năm 2004 lên hơn 18.000 tỷ USD năm 2014.
Các quốc gia ghi nhận mức nợ tăng đáng kể là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì, Chile, Brazil, Colombia và Peru.
Giờ đây, các quốc gia này đang đối mặt với 3 vấn đề chính, gồm việc lãi suất tại Mỹ sắp tăng, đồng USD đang lên giá và triển vọng kinh tế toàn cầu đang bất ổn hơn bao giờ hết.
Nguyên nhân mới nhất dẫn đến sự bất ổn đó là Trung Quốc. Số liệu tăng trưởng kinh tế trong quý III của nước này tốt hơn so với dự kiến nhưng lại bị nghi ngờ đã bị bóp méo và sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không chỉ đơn giản cần đạt yêu cầu như vậy.
Nói cách khác, việc chi trả cho những khoản nợ lớn của các thị trường mới nổi sẽ trở nên tốn kém hơn khi nhiều nền kinh tế và doanh nghiệp ở thị trường này nhận ra rằng thu nhập của họ không tăng, nếu không nói là giảm.
Theo báo cáo mới của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, các nhà đầu tư toàn cầu đã quyết định chấp nhận rủi ro nhiều hơn một chút tại các thị trường mới nổi khi họ rót vốn vào trái phiếu tại các thị trường này nhiều nhất trong 5 tháng trở lại đây.
Khi làm thế, các nhà đầu tư có thể muốn thận trọng trước cảnh báo của IMF rằng các nhà hoạch định chính sách nên giám sát những công ty, ngân hàng và các ngành liên quan dễ bị tổn thương khi các thị trường mới nổi phải đối mặt nhiều vấn đề khi lãi suất ở các nền kinh tế phát triển tăng.
Hầu hết đang phải gặp khó khăn trong môi trường toàn cầu hiện nay.
Theo một nhà kinh tế của Standard Life, sự phân hóa đang ngày càng hiện rõ giữa các nước xuất khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa. Đồng tiền của các nước xuất khẩu nguyên liệu đang rơi mạnh so với đồng USD trong vài năm qua và các quốc gia này sẽ đối mặt với thêm nhiều khó khăn khi trả nợ bằng USD.
Ngoài ra, sự mất giá đồng tiền ở các quốc gia này còn trở nên tồi tệ hơn bởi các yếu tố riêng biệt của từng quốc gia, như việc Nga đang bị các lệnh trừng phạt, Malaysia gặp bê bối chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ gặp rủi ro về an ninh.
Điều kiện kinh tế và rủi ro có thể khác nhau, nhưng các thị trường mới nổi đều có chung 1 điểm là đang nợ nhiều và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trả nợ so với trước.