Điều này đang tạo ra một số rủi ro đối với ổn định thị trường tài chính khu vực cũng như đe dọa đến triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Nguy cơ gia tăng các khoản nợ
Trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, một nửa các chứng chỉ nợ được phát hành trên toàn cầu có điểm đến là các thị trường đang phát triển và mới nổi, trong đó phần lớn nằm tại khu vực châu Á. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm đến 1/3 lượng nợ toàn cầu tăng thêm trong giai đoạn 2007 đến nay.
Bên cạnh đó, mức nợ tại một số nền kinh tế khu vực châu Á khác như Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc hiện đã cao hơn ngưỡng nợ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 nổ ra tại khu vực này. Ngoài ra, một vài quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia và Úc còn có tỷ lệ nợ/thu nhập của các hộ gia đình còn cao hơn cả Mỹ trong thời kỳ trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.
Hiện tại, tỷ lệ nợ của toàn khu vực châu Á đã tăng lên đến 205% GDP vào năm 2014, so với mức 144% năm 2007 và 139% năm 1996 - thời điểm ngay trước khủng hoảng tài chính châu Á. Tại Nhật Bản, mức nợ hiện tại cũng đã lên 400% GDP, mức cao nhất thế giới.
Tại một số quốc gia nghèo hơn như Ấn Độ và Indonesia, nợ vẫn tương đối thấp so với quy mô nền kinh tế. Tuy nhiên, các khoản nợ của những công ty xây dựng cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ đang trở thành gánh nặng của nền kinh tế. Những khu vực khác bao gồm Hàn Quốc và Thái Lan đang đối mặt với 2 khó khăn bao gồm tỷ lệ nợ cao và dân số già hóa.
Có một yếu tố chủ chốt khiến châu Á rơi vào tình trạng này. Đó là việc các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản liên tục hạ lãi suất và thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã khiến lượng thanh khoản tràn ngập thị trường tài chính toàn cầu, khiến dòng tiền đổ mạnh vào thị trường châu Á.
Mức lãi suất hấp dẫn được duy trì trong một thời gian dài sau khủng hoảng đã cho phép chính phủ, các công ty và cá nhân tại các thị trường mới nổi có thể vay nhiều hơn trước.
Mức độ vay tiền này diễn ra khác nhau tại nhiều quốc gia trong khu vực. Tại Trung Quốc, những doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu Nhà nước, các công ty bất động sản và chính quyền địa phương sở hữu lượng nợ lớn nhất. Tại Malaysia và Thái Lan, đối tượng vay tiền lại chủ yếu là tầng lớp trung lưu với các khoản vay tiêu dùng như mua ô tô và vật dụng gia đình.
Việc vay thêm tiền là một biện pháp giúp duy trì tốc độ tăng trưởng của khu vực này, nơi được coi là "tấm đệm" đối với phần còn lại của thế giới trong suốt giai đoạn tài chính toàn cầu đóng băng. Theo Frederic Neumann, đồng Chủ tịch công ty nghiên cứu HSBC Holdings, thì châu Á đã trở nên nghiện việc đi vay, và việc này không thể dừng lại ngay cả khi khủng hoảng đã qua.
Các khoản nợ vay liên tục gia tăng trong giai đoạn khủng hoảng hiện đang đặt khu vực doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình tại châu Á trước áp lực phải trả nợ, từ đó khiến tiền lương bị ứ đọng, người dân cũng không sẵn sàng thực hiện các khoản chi tiêu, và từ đó kéo theo sự tăng trưởng yếu ớt của tổng cầu.
Ngay cả khi NHTW các quốc gia châu Á đã phải liên tục thực hiện CSTT nới lỏng thông qua các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp từ đầu năm 2015 đến nay, thì cũng không tạo động lực đáng kể lên tiêu dùng nội địa.
Theo Paul Sheard, Tổng giám đốc khối kinh tế của Trung tâm xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor, vấn đề hiện nằm ở chỗ người dân đã vay nợ quá nhiều, do đó dù lãi suất có cắt giảm xuống mức zero thì cũng không ai có nhu cầu vay nợ thêm nữa.
Kìm hãm tăng trưởng
Sự tăng trưởng ì ạch của tiêu dùng nội địa và tổng cầu trong nước trước áp lực nợ là một nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng chậm lại của khu vực châu Á trong những năm gần đây. Nếu như năm 2010, tăng trưởng của khối này đạt đến 7,3% thì đến năm 2011 đã có sự sụt giảm xuống còn 6,3% và tiếp tục giảm mạnh xuống dưới 5% trong suốt cả giai đoạn 2012 - 2014.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã liên tục giảm tốc từ mức trên 10% năm 2010 xuống còn 9,3% năm 2011, 7,7% trong hai năm tiếp theo và tiếp tục ước giảm còn 7,5% năm 2014. Tương tự Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ cũng liên tục sụt giảm qua các năm từ mức trên 10% năm 2010 xuống mức thấp nhất là 4,4% năm 2013, và phục hồi nhẹ trong năm 2014 với mức tăng trưởng ước đạt 5,4%.
Đối với khu vực ASEAN 5, tăng trưởng cũng chỉ dao động ở mức thấp trên dưới 5% trong suốt giai đoạn 2011 - 2014 vừa qua. Với mức tăng trưởng chậm như vậy, những quốc gia này sẽ không còn khả năng là lực đẩy kéo kinh tế thế giới đi lên như giai đoạn trước đây.
Bên cạnh áp lực đối với tăng trưởng, việc gia tăng các khoản nợ cũng tạo một số áp lực khác đối với sự ổn định của hệ thống tài chính. Rủi ro lớn và gần nhất là khi Mỹ tăng lãi suất có thể kéo một nguồn vốn lớn ra khỏi khu vực, gây tổn hại cho giá cổ phiếu và trái phiếu, tăng chi phí vay và gây ra biến động bất thường trong thị trường ngoại hối.
Ngoài ra, bản thân mỗi quốc gia vay nợ sẽ gặp những vấn đề bất ổn khác nhau. Tại Trung Quốc, một nửa số nợ gắn với bất động sản và 1/3 số đó tới từ hệ thống ngân hàng "ngầm" của nước này. Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho rằng, vấn đề hàng tồn kho dư thừa của các công ty bất động sản không được giải quyết trong trung hạn sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ của các công ty này, dẫn đến vỡ nợ.
Còn tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, việc các khoản nợ liên quan đến tín dụng tiêu dùng gia tăng quá mạnh trong khi thu nhập thực tế trong nước không có nhiều cải thiện, đã khiến các hộ gia đình ngày càng gánh nặng các khoản nợ, làm giảm kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng trong tương lai, từ đó ảnh hưởng đến tổng cầu và nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế.