Cổ đông so kè thiệt hơn
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 diễn ra ngày 14.4 tại Hà Nội, cổ đông Ngân hàng Vietinbank đã thông qua tờ trình sáp nhập PGBank. Và tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng là 1:0,9 - tức một cổ phiếu PGBank đổi được 0,9 cổ phiếu CTG của Vietinbank. Tỉ lệ này được giới chuyên môn bình luận rằng "rất thiệt thòi đối với cổ đông của Vietinbank".
Về thương vụ Mekong Bank (MDB) sáp nhập vào MaritimeBank, hiện tại, cổ đông của 2 ngân hàng này đã thông qua kế hoạch sáp nhập, với tỉ lệ hoán đổi là 1:1. Tuy nhiên, với nhiều cổ đông Maritime Bank, sự không vui thể hiện khá rõ, vì họ cho rằng quy mô của MaritimeBank lớn hơn nhiều so với MDB nên việc chuyển đổi 1:1 chỉ có lợi cho cổ đông MDB.
Và đó cũng là câu trả lời tương tự khi các cổ đông của Eximbank được hỏi về câu chuyện nếu Nam Á Bank sáp nhập vào Eximbank. Ở đây sự thiệt hơn được thể hiện rõ nếu tỉ lệ hoán đổi là 1:1, vì cổ phiếu của Eximbank đã được niêm yết trên sàn và luôn là cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, điều đó mới chỉ là tính toán, còn cuộc so găng giữa các cổ đông lớn vẫn chưa ngã ngũ. Trước đó, vấn đề hoán đổi cổ phần cũng kéo dài nhiều năm trong câu chuyện sáp nhập Sacombank với Southern Bank.
Về phương diện thực tế thì các cổ đông thường phản đối việc hoán đổi cổ phần, bởi trong quá trình sáp nhập NH đã làm cho quyền lợi của các cổ đông thiểu số bị ảnh hưởng rất lớn. Vì các các quyền lợi và ý kiến của nhóm cổ đông này bị bỏ qua trong một số cuộc họp ĐHCĐ vì số phiếu của họ không đủ để phủ quyết Nghị quyết đại hội đồng cổ đông. Nếu có bức xúc mà bán ra thì lại thiệt về quyền lợi do giá cổ phiếu sẽ bị ép xuống thấp khi thông tin rò rỉ.
Chuyện đi hay ở?
Bên cạnh câu chuyện quyền lợi, thì vấn đề nhân sự hậu sáp nhập cũng đang khá nóng. Việc sáp nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn bao giờ cũng đụng phải vấn đề người lao động. Lúc này việc bố trí lại lao động cho phù hợp với nhu cầu công việc của ngân hàng lớn tất yếu diễn ra. Liệu người lao động ở ngân hàng nhỏ và thu nhập của họ sẽ biến động thế nào?
Như trường hợp sáp nhập PGBank vào Vietinbank, theo thông tin từ ĐHCĐ của Vietinbank, HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành của PGBank sẽ điều hành ngân hàng cho đến ngày sáp nhập và sau đó tự miễn nhiệm, ngân hàng sau sáp nhập (theo thông lệ được hiểu là Ban điều hành của Vietinbank cùng với sự phê chuẩn của cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước) sẽ bố trí công việc của họ ở ngân hàng sau sáp nhập hoặc ở công ty tài chính PG Finance.
Còn về phần người lao động ở PGBank được bảo đảm việc làm trong vòng 6 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức cùng các khoản thu nhập bao gồm lương, thưởng, lợi ích khác nếu có và quyền lợi sẽ không thấp hơn mức bình quân hàng tháng mà người lao động nhận được trong vòng 6 tháng liền kề trước ngày sáp nhập. Sau thời hạn nêu trên, ngân hàng sau sáp nhập sẽ rà soát, đánh giá lại năng lực của người lao động. Điều này được hiểu rằng sẽ có sự đào thải nhân lực số lượng lớn ở ngân hàng sau sáp nhập.
Thâm chí, có những trường hợp "cười ra nước mắt". Còn nhớ lúc Habubank sáp nhập vào Ngân hàng SHB, nguyên Tổng giám đốc Habubank sau một thời gian hợp nhất đã trở thành người thu hồi nợ. Có những nhân viên Habubank không làm hết được khối lượng công việc ở vị trí mới đã viết đơn xin nghỉ việc. Không thể trách SHB, bởi họ chịu áp lực tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí, việc giảm bớt người lao động không cần thiết là không tránh khỏi.