Trung Quốc là một nước có nền kinh tế khổng lồ, nhưng đồng tiền của nước này vẫn chưa được thông dụng trên thị trường quốc tế. Khác với đồng USD, Euro và Yên, đồng Nhân dân tệ không được sử dụng nhiều tại các giao dịch ngoài Trung Quốc.
Quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới này đã giới hạn đồng tiền của mình khỏi thị trường tiền tệ quốc tế cũng như hạn chế việc mua bán đồng Nhân dân tệ. Chính sách này đã góp phần bảo vệ Trung Quốc khỏi sự bùng nổ bong bóng tài chính, đồng thời khiến hàng hóa nước này cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, hiện tại thì quốc gia này đã có lý do để nới lỏng các chính sách của mình đối với đồng Nhân dân tệ. Để thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và hỗ trợ tham vọng chính trị, Trung Quốc đang tăng cường việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trên thế giới. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất trên thị trường tài chính toàn cầu kể từ khi đồng Euro ra đời. Sự biến đổi này sẽ đem lại cơ hội cho các ngân hàng và nhà đầu tư, nhưng sẽ là rủi ro cho tính ổn định của Trung Quốc.
Thông dụng quốc tế?
Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy để đồng Nhân dân tệ được đưa vào trong rổ tiền tệ dự trữ chính thức của các ngân hàng trung ương cùng với USD, Euro, Yên và Bảng Anh. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sẽ bàn về vấn đề này trong năm nay. Các quan chức Trung Quốc mặc dù đã nới lỏng những hạn chế về tiền tệ, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ và nước này còn một chặng đường dài phải đi.
Hiện quốc gia này chiếm 10% giao dịch thương mại thế giới nhưng chỉ có 2% các khoản thanh toán quốc tế dùng bằng Nhân dân tệ. Những nhà đầu tư khu vực tư nhân chỉ có thể chuyển khoản Nhân dân tệ nếu được phê duyệt và với mức hạn chế.
Đã có hơn một chục quốc gia mong muốn đưa Nhân dân tệ thành đồng tiền giao dịch chủ chốt và đã ký kết các thỏa thuận để có thể giao thương bằng đồng nội tệ này dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng mong muốn đồng tiền của mình được sử dụng cho các khoản tín dụng lớn ở nước ngoài nên đã thành lập Ngân hàng Phát triển Châu Á (AIIB) lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Tháng 11/2014, sàn chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải liên thông. Mặc dù có sự hạn chế về tổng giá trị giao dịch/ngày, việc liên kết này cũng cung cấp cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Giờ đây họ có thể đầu tư vào thị trường Trung Quốc đại lục thông qua Hồng Kông bằng cách chi tiền mua cổ phiếu trên sàn Thượng Hải. (Hồng Kông có đồng tiền và hệ thống tài chính mang tính quốc tế hơn so với Trung Quốc đại lục)
Hiện nay, đồng Nhân dân tệ đang được chính phủ quản lý với mức biến động 2%/ngày so với đồng USD. Năm 2014 là năm đầu tiên đồng tiền này giảm giá so với đồng USD trong vòng 5 năm qua.
Bối cảnh lịch sử
Trong lịch sử, các triều đại trước đây của Trung Quốc khá chậm chạp và miễn cưỡng để mở cửa tự do thương mại. Năm 1793, vua Càn Long triều Thanh đã từ chối tất cả những yêu cầu của vua George III-Anh về việc dỡ bỏ những lệnh cấm trong giao dịch thương mại 2 nước.
Năm 1994, chính phủ Trung Quốc đặt ra một tỷ lệ hối đoái cố định cho đồng Nhân dân tệ với đồng USD, và chính sách này đã tồn tại trong 1 thập kỷ. Sau Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã được phép mua cổ phiếu bằng đồng Nhân dân tệ với số lượng hạn chế.
Những quy định giới hạn với đồng Nhân dân tệ đã được dỡ bỏ phần nào trong năm 2005. Tuy nhiên, những chính sách này đã được sử dụng lại “một cách không chính thức” vào năm 2008 nhằm bảo vệ Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Năm 2010, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, kết quả là đồng nội tệ nước này tăng mạnh. Hiện vẫn chưa có lộ trình cụ thể nào cho việc cải cách tỷ giá hối đoái, nhưng một số chuyên gia về Trung Quốc dự đoán rằng đồng Nhân dân tệ sẽ hoàn toàn được chuyển đổi tự do vào năm 2020.
Tranh cãi
Việc đồng Nhân dân tệ tham gia vào giao dịch thương mại toàn cầu cho thấy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thách thức vị thế của đồng USD cũng như trật tự kinh tế toàn cầu thống trị bởi Mỹ và Châu Âu. Trung Quốc hiện nay đang tập trung gia tăng tiến trình cải cách nhằm đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ các đồng tiền dự trữ của IMF.
Mỹ đã từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về việc giữ giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Hiện cường quốc số 1 thế giới này vẫn cho rằng chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc dỡ bỏ giới hạn hối đoái đồng Nhân dân tệ.
Việc đồng nội tệ Trung Quốc trở nên thông dụng sẽ làm tăng ảnh hưởng từ quốc gia này thông qua việc thiết lập giá cả các mặt hàng, từ dầu mỏ cho đến quặng sắt. Đồng thời, các cá nhân và công ty tại Trung Quốc đại lục sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi tiết kiệm bằng những đồng tiền chủ chốt.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn còn cần phải thực hiện nhiều cải cách trước khi đưa đồng nội tệ của mình trở nên thông dụng hơn. Hơn nữa, quốc gia này cũng sẽ dễ bị tổn thương hơn với biến động tỷ giá nếu họ loại bỏ những hạn chế với đồng Nhân dân tệ. Sự bất ổn trong dòng chảy tài chính có thể làm trầm trọng hơn tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại hiện nay.