Bloomberg: Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 17,5%

Bloomberg: Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 17,5%

(NDH) Kinh tế tăng trưởng chậm đã khiến Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức lớn nhất vào ngày 20/4 vừa qua. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng tỷ lệ này sẽ còn được cắt giảm tiếp.

Ngày 20/4/2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) xuống 18,5%. Đây là mức cắt giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2008. Tuy vậy, tổng mức tài chính dự trữ bắt buộc vẫn còn rất lớn, vào khoảng 23 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Điều này đặt ra câu hỏi cho các chuyên gia rằng liệu PBOC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống bao nhiêu nữa để thúc đẩy tín dụng trong tình hình tăng trưởng kinh tế chậm?

Tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tỷ lệ RRR là một trong những công cụ đòn bẩy tài chính quan trọng được ngân hàng trung ương sử dụng để kiểm soát tính thanh khoản. Khi có nhiều dòng vốn chảy vào thị trường và lạm phát gia tăng, chính phủ sẽ nâng tỷ lệ này. Ngược lại, khi các nguồn vốn rút ra và lạm phát giảm, ngân hàng trung ương sẽ hạ RRR, tương tự như PBOC đã làm trong ngày 20/4 vừa qua.

Những số liệu thống kê cho thấy khả năng để PBOC tiếp tục hạ RRR vẫn còn nhiều.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của Trung Quốc

Chính quyền Bắc Kinh áp dụng công cụ tài chính RRR lần đầu tiên vào năm 1984. Vào năm 1999, PBOC đã hạ tỷ lệ này xuống 6% nhằm đối phó với những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á. Tỷ lệ này được giữ nguyên cho đến năm 2003. Sau đó, sự gia tăng của dòng vốn chảy vào Trung Quốc và thặng dư thương mại đã thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh nâng RRR nhiều lần, lên mức 17,5% năm 2008.

Trong cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008, xuất khẩu suy giảm đã khiến PBOC cắt giảm RRR xuống 15,5%. Tuy nhiên, những biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đã khiến quốc gia này hồi phục nhanh chóng. Ngân hàng trung ương nước này đã phải nâng RRR nhiều lần lên mức 21,5% năm 2011.

Hiện tại, kể cả với động thái cắt giảm gần đây, tỷ lệ RRR của Trung Quốc vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới. Tại một số nước, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 2%, đặc biệt ở một số quốc gia như Canada và Australia thì đã loại bỏ công cụ này.

Trong tình hình các dòng vốn rút ra khỏi thị trường, lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế chậm, liệu công cụ tài chính này sẽ được PBOC sử dụng trong bao lâu nữa?

Theo chuyên gia kinh tế Shen Jianguang của Mizuho Securities Asia, về lý thuyết thì tỷ lệ RRR có thể hạ xuống mức rất thấp, thậm chí gần bằng 0%. Chuyên gia này dự đoán PBOC có thể cắt giảm lớn nhất là 10% RRR trong năm tới. Nguyên nhân là chính quyền Bắc Kinh muốn các ngân hàng thương mại có đủ tài chính để giải quyết tình trạng nợ xấu đang gia tăng.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Larry Hu của Macquarie Securities cho rằng Trung Quốc sẽ có ít nhất 20 lần cắt giảm RRR trong vòng 5 năm tới.

Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, các chuyên gia kinh tế dự kiến PBOC sẽ hạ 0,5 điểm phần trăm RRR trong quý 3 và 4/2015, khiến tỷ lệ này xuống mức 17,5% vào cuối năm nay.