Theo cựu chuyên gia kinh tế Stephen Jen của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhu cầu đối với đồng tiền Mỹ sẽ tăng cao do hệ thống tài chính toàn cầu căn bản đang bị thiếu đồng tiền này.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho hay vay nợ trái phiếu chính phủ và tư nhân của các thị trường ngoài Mỹ đã lên mức kỷ lục 9 nghìn tỷ USD và hầu hết số nợ này sẽ phải trả trong những năm tới.
Hơn nữa, những ngân hàng trung ương đã giảm dự trữ bằng đồng USD trong thời gian trước đây giờ lại tăng trở lại, khiến nhu cầu gia tăng. Tỷ lệ đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm từ 73% cách đây 1 thập kỷ xuống 60% năm 2011. Tuy nhiên, con số này hiện đã tăng trở lại lên 63%.
Theo chuyên gia Jen, những yếu tố trên có thể làm gia tăng sức mạnh đồng USD bất chấp những biến động ngắn hạn gần đây của đồng tiền này do các chính sách dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay do những số liệu mới công bố của nền kinh tế.
Sức mạnh của đồng USD
Theo dự đoán của ông Jen, việc thiếu hụt đồng USD trong hệ thống tài chính sẽ tiếp tục thúc đẩy đồng tiền này tăng lên mức cao hơn. Chuyên gia này cho rằng đồng USD sẽ tăng 10% trong 3 tháng tới lên mức 96 cent/Euro. Việc tăng giá của đồng USD không đơn thuần chỉ là một vòng quay chu kỳ như tăng trưởng kinh tế. Sự giảm giá gần đây của đồng tiền này hầu như sẽ được minh chứng chỉ là tạm thời.
Đồng USD hiện đang được giao dịch ở mức 1,0598 USD/Euro. Lần gần đây nhất đồng tiền này được giao dịch ở mức 96 cetn/Euro là vào tháng 6/2002.
Hầu hết các nhà đầu tư và chuyên gia chiến lược đều đồng ý rằng đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới trong năm qua là do khả năng Mỹ tăng lãi suất và các quốc gia khác nới lỏng chính sách tiền tệ.
Chỉ số Dollar Spot Index của đồng USD đã tăng 20% kể từ năm 2014. Tuy nhiên, khi FED có những dấu hiệu cho thấy chưa vội tăng lãi suất thì đồng USD đã giảm giá trong thời gian gần đây và chỉ số này đã mất 3%.
Những dự đoán
Chuyên gia Jen không phải là người duy nhất cho rằng việc thiếu đồng USD trong hệ thống tài chính sẽ khiến đồng tiền này tiếp tục tăng giá.
Trưởng phòng chiến lược ngoại hối Chris Turner của ING dự đoán rằng đồng USD sẽ tăng lên mức ngang bằng với đồng Euro vào giữa năm nay. Theo ông Turner, việc tăng giá này sẽ được hỗ trợ một phần do lợi tức trái phiếu Đức và Ireland. Hiện các ngân hàng trung ương đang tích trữ trở lại đồng USD và việc lợi tức trái phiếu tại khu vực đồng Euro ở mức thấp, bằng 0% hay thấp hơn, sẽ đẩy nhanh xu thế này.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng ý với quan điểm trên. Tỷ phú Bill Gross của Janus Capital Group dự đoán rằng đồng USD sẽ giảm giá do lãi suất giữa Mỹ và Châu Âu đang ngày càng thu hẹp.
Một số chuyên gia phản đối ý kiến trên của tỷ phú Gross và cho rằng các chính sách tiền tệ mới là nguyên nhân chính khiến đồng USD tăng giá. Đặc biệt là sự trái ngược trong chính sách thắt chặt tiền tệ của FED và tăng cung tiền của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Lãi suất
Giám đốc đầu tư Adrian Lee của Adrian Lee & Partners nhận định sự trái ngược giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và Châu Âu là yếu tố cần theo dõi nhất hiện nay. Ông dự đoán rằng đồng Euro sẽ xuống dưới mức 1 USD/Euro trong năm nay.
Bên cạnh đó, ông Lee cho rằng sự suy giảm trong thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ cũng là một nguyên nhân. Giá dầu giảm đã giúp Mỹ hạ thâm hụt thương mại từ mức 5,9% GDP năm 2006 xuống còn 2,3% GDP.
Mặt khác, chuyên gia Jen nói rằng sự gia tăng tín dụng bằng đồng USD trên thế giới mới là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá đồng tiền này. Khi FED cắt giảm lãi suất xuống gần mức 0% khiến đồng USD rẻ hơn vào cuối năm 2008, tín dụng bằng đồng USD ngoài nước Mỹ chỉ là 6 nghìn tỷ USD, nhưng hiện nay đã tăng lên mức 9 nghìn tỷ USD.
Trả nợ
Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga, tập đoàn viễn thống Telefonica và hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal của Tây Ban Nha đã vay nợ thêm 12 tỷ USD cho mỗi công ty kể từ năm 2008. Trong khi đó, Pháp và Thụy Điển là 2 trong số những nước phát hành trái phiếu chính phủ nhiều nhất với hơn 100 tỷ USD.
Một phần trong số những khoản nợ đó buộc phải hoàn trả trong khi số còn lại sẽ được đảo nợ. Thậm chí những khoản đảo nợ này cũng cần tài chính để thực hiện.
Chuyên gia Jen nhận định rằng sau nhiều năm tích lũy một số lượng lớn các khoản nợ bằng đồng USD, người vay sẽ buộc phải tìm cách trả nợ, qua đó gia tăng nhu cầu cho đồng tiền này. Vì vậy, những dự đoán cho nhu cầu đồng nội tệ Mỹ dựa trên tăng trưởng kinh tế hay chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia có thể thấp hơn so với thực tế.