Ngân hàng BIDV cho biết, ngày 19/11/2014, tại Thủ đô Naypyitaw, Myanmar, BIDV đã ký thỏa thuận nguyên tắc sơ bộ về khoản vay 30 triệu USD với Ngân hàng Phát triển Công nghiệp nhỏ và vừa Myanmar (SMIDB). Gói tín dụng này để tài trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm triển khai chính sách phát triển công nghiệp và giảm nghèo của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Myanmar.
Cũng tại buổi Lễ, Bà Daw Soe Soe - Đại diện Tổng vụ Đầu tư và Quản lý Công ty (DICA), đã trao Giấy phép thành lập tạm thời số 825FC/2014-2015 ngày 11/11/2014 do Bộ Phát triển Kinh tế và Kế hoạch Quốc gia Myanmar cấp cho Công ty TNHH Tài chính BIDV (BIDV Finance Company Limited).
Công ty Tài chính BIDV tại Myanmar được thành lập dựa trên vốn góp của đại diện phía Việt nam (70%) và của Công ty Tài chính Tiêu dùng Vi mô Mahar Bawaga, Myanmar (30%). Phạm vi kinh doanh của Công ty tập trung ban đầu vào lĩnh vực: Tài chính vi mô; Nhận tiền gửi; Chuyển tiền và các hoạt động tài chính khác phù hợp với quy định pháp luật Myanmar.
"Tham vọng" của các ngân hàng trong cả khu vực và thế giới đối với thị trường Myanmar là rất lớn khi mà lĩnh vực tài chính nơi đây còn sơ khai và được đánh giá là rất nhiều tiềm năng khi đất nước đang trong tiến trình mở cửa. Riêng Việt Nam, nhiều ngân hàng cũng chú ý tới thị trường này, nhưng hiện tại mới có 3 cái tên gồm BIDV, Vietinbank và HDBank được phép mở văn phòng đại diện.
Hồi cuối tháng 6/2014, BIDV đã được chấp thuận về mặt chủ trương cho đầu tư ngân hàng tại Myanmar. Theo đó, Thủ tướng chấp thuận và yêu cầu BIDV xin phép theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại, yêu cầu BIDV xây dựng Đề án xin cấp phép đầu tư ngân hàng tại Myanmar, trình Ngân hàng Nhà nước xem xét và tuân theo các thủ tục của nước sở tại. Lúc bấy giờ, có rất nhiều kỳ vọng của giới doanh nghiệp và thị trường tài chính đối với BIDV cũng như sự đặt chân của một ngân hàng Việt tại thị trường giàu tiềm năng này.
Tuy nhiên, với những tiêu chí xét chọn kỹ lưỡng, hồi đầu tháng 10, Ngân hàng trung ương Myanmar đã công bố cấp phép cho 9 ngân hàng Châu Á được mở rộng hoạt động kinh doanh tại quốc gia này sau hơn 2 tháng xem xét hồ sơ của 25 ngân hàng nước ngoài nhưng trong đó không có cái tên nào của Việt Nam.
Tùng Lâm