Thừa vốn ngắn hạn
Sau khi Vietcombank lần thứ hai trong năm chủ động điều chỉnh giảm 1% lãi suất huy động vào cuối tháng 8/2014, một số NHTMCP khác cũng rục rịch giảm lãi suất. Từ đầu tháng 10 đến nay, Techcombank đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn khác nhau. Hiện tại, nhà băng này đang áp dụng mức lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng trong khoảng từ 5,24 - 5,48%/năm; kỳ hạn từ 6 - 11 tháng có lãi suất 5,63 - 6,27%/năm.
Đáy lãi suất huy động trên thị trường NH hiện nay là 4,3%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng, thuộc về Agribank và VietinBank. Trong khối NHTMCP, lãi suất huy động thấp nhất hiện nay thuộc về VIB, với 5%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng. Theo thống kê, từ đầu tháng 9 đến nay, khối NHTMCP đã hạ 0,1 - 0,2%/năm lãi suất huy động.
Giới quan sát cho rằng, lý do chủ yếu vì các NH cơ cấu lại kỳ hạn tiền gửi để xây dựng biểu lãi suất huy động cho phù hợp với điều kiện kinh doanh khó khăn, khi vốn cho vay tăng chậm. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, trong 9 tháng qua vốn huy động toàn hệ thống NH này tăng 10%, trong khi tín dụng chỉ tăng 7% so với cuối năm 2013.
Một mất cân đối khác, trong huy động thì 85% nguồn vốn của ACB là ngắn hạn, khoảng 15% là dài hạn. Chung tình cảnh trên, gần đây nhiều NH khuyến khích người gửi tiền kỳ hạn dài bằng trả lãi suất cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng. Nhưng do kinh tế còn ảm đạm, các NH chưa thể khôi phục nguồn vốn đầu vào dài hơi.
Mặc dù, quy định trần lãi suất chỉ còn áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, trên mức này các NHTM được phép tự thỏa thuận lãi suất với người gửi tiền. "Thỏa thuận nhưng cũng phải liệu cơm gắp mắm, khi mà lãi suất cho vay liên tục giảm xuống so với 3 năm trước đây. Nhất là các kênh đầu tư tài chính khác như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, thậm chí cả trái phiếu vẫn sẵn sàng cạnh tranh với tiền gửi tiết kiệm NH", một lãnh đạo NHTMCP cho biết. Chính vì vậy, việc hạ lãi suất huy động kỳ hạn dài cũng đang tới "ngưỡng cản".
Nhưng mặt khác, tâm lý người đi vay thấy lãi suất huy động liên tục giảm, lại kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm. Chính vì vậy, các DN vẫn muốn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm khoảng 1 - 2%/năm từ mức thực tế hiện nay 12 - 13%/năm. Điều này càng gây áp lực mất cân đối tăng trưởng huy động - cho vay của các NH. Khả năng là vốn ngắn hạn dư thừa sẽ khó hạ thêm lãi suất, trong khi vốn dài hạn cũng khó hạ lãi suất vì nhu cầu cao hơn khả năng đáp ứng của NH.
Thiếu dài hạn cho đầu tư
Việc NH dư thừa vốn ngắn hạn là một thực tế trong thời gian qua, bởi huy động chủ yếu là ngắn hạn thì cho vay lại có nhu cầu nhiều ở phía trung và dài hạn. Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, cơ cấu cho vay trung dài hạn NH này cũng chiếm gần 50% tổng dư nợ, phần còn lại chủ yếu cho vay khách hàng cá nhân.
Riêng về cho vay cá nhân, loại dịch vụ tài chính này đang có xu hướng tăng lên, khi nhu cầu mua nhà trả góp đang có dấu hiệu tăng trưởng. Trong tổng dư nợ cho vay 9 tháng đầu năm 2014 của ACB, cho vay cá nhân đang có xu hướng vượt nhẹ so với khối khách hàng DN, chiếm khoảng 47%.
Tuy nhiên, cho vay DN với mục đích đầu tư, hay cho vay cá nhân mua nhà là các khoản dài hạn, gặp trở ngại bởi khả năng thu xếp vốn của NH. Dù dư thừa vốn ngắn hạn, nhưng theo quy định hiện hành, NH chỉ được sử dụng 30% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Chính điều này khiến nguồn vốn cho vay đầu tư bị giới hạn. Theo ông Đỗ Minh Toàn, với khả năng hiện có từ nay đến hết năm ACB chỉ có thể cho vay trung dài hạn ra thị trường tối đa khoảng 10.000 tỷ đồng.
Để có thêm vốn trung dài hạn, đã có lúc NHTM đề nghị NHNN tăng thêm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Hay một số NH đã phải giảm hạn mức cấp tín dụng từ đầu năm cho nguyên năm sau...
Cùng quan điểm tăng thêm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn, bà Vũ Thị Vang, Phó chủ tịch HĐQT DongA Bank cho biết, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn để NH dễ bề đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phải có nhu cầu thì việc hạ lãi suất cho vay dài hạn mới thực tế.